Hà Nội đề cử 82 bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu thế giới

Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ đề cử với UNESCO "Bia đá các khoa thi Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám" là Di sản tư liệu thế giới.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và các nhà khoa học hoàn thiện Hồ sơ đề cử "Bia đá các khoa thi Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám" là Di sản tư liệu thế giới.

Ngày 8/8,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đa tổ chức hội thảo khoa học về Hồ sơ “Bia đá các khoa thi tiến sĩ 1442-1779 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám” nhằm hoàn thiện Hồ sơ đề cử "Bia đá các khoa thi Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám" là Di sản tư liệu thế giới, để trình UNESCO trước ngày 30/9.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, được sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, thành phố Hà Nội đã quyết định đăng ký đưa 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám vào danh sách đề cử tham gia Chương trình “Ký ức thế giới” khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Nếu những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành Tư liệu Ký ức thế giới sẽ là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Khẳng định ý nghĩa và giá trị to lớn của bia Tiến sĩ ở Văn Miếu -Quốc Tử Giám, các nhà khoa học, quản lý văn hoá đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho bộ Hồ sơ quan trọng này, đảm bảo tính khoa học, chuẩn xác và có chất lượng.

Một số ý kiến của các nhà khoa học đề nghị cần nhấn mạnh những nét đặc sắc của bia Văn Miếu (trên cơ sở so sánh với bia ở Huế, Nhật Bản hay Trung Quốc) để làm nổi bật tính “duy nhất, nguyên bản, xác thực”; trong đó, chú ý đến giá trị về Nho học, tư tưởng triết học, sử dụng người tài, nghệ thuật thư pháp, mỹ thuật trang trí của các tấm bia tiến sĩ, cũng như sự tác động, ý nghĩa của bia Tiến sĩ ở Văn Miếu với nền khoa cử Việt Nam nói riêng, với không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói chung.

Có ý kiến đề xuất trong bộ hồ sơ nên có những bức ảnh sắc nét và tập hợp một cách hệ thống các bài viết về bia tiến sĩ ở Văn Miếu để thấy đây là vấn đề thu hút sự quan tâm, nghiên cứu không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài.

Theo ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu -Quốc Tử Giám, nhiều nơi cũng có bia Tiến sĩ như ở Huế, ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Nhật Bản…, nhưng chỉ duy nhất bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có bài ký trên bia (văn bia).

Những bài văn bia này phần lớn đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn, nên về cơ bản là những tác phẩm vô giá, góp phần làm nên truyền thống văn hóa, giáo dục của Việt Nam.

Mỗi tấm bia còn là một tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc tinh tế và cách trang trí này thay đổi theo từng thời kỳ, nhờ đó mà hiểu được lịch sử phát triển mỹ thuật của Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục