Hà Nội: Gia tăng các vụ lừa đảo bằng giấy tờ giả

Nhiều giấy tờ, tài liệu giả mạo giống thật đến mức nếu không có phương tiện kỹ thuật và nghiệp vụ chuyên môn thì khó lòng phát hiện được.
Ngày 11/9, tại cuộc họp hướng dẫn kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cho đội ngũ cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, công chứng viên trên địa bàn thành phố do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức,Trung tá Nguyễn Quang Huy (Đội trưởng Đội giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố Hà Nội) cảnh báo số vụ lừa đảo bằng giấy tờ, tài liệu giả đang tăng mạnh trên địa bàn Hà Nội.

Theo Trung tá Nguyễn Quang Huy, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, những sơ hở trong công tác quản lý của các cơ quan, tổ chức, sự thiếu hiểu biết của mỗi cá nhân, các đối tượng phạm tội đã tạo ra nhiều giấy tờ, tài liệu giả giống y như thật để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo.

Nhiều giấy tờ giả mạo giống đến mức nếu không có phương tiện kỹ thuật và nghiệp vụ chuyên môn thì khó lòng phát hiện được. Vì vậy, số nạn nhân các vụ lừa đảo bằng giấy tờ tài liệu giả vẫn không ngừng tăng lên.

Thủ đoạn phổ biến nhất, dễ thực hiện và có thể tạo ra hàng loạt giấy tờ, tài liệu giả trong thời gian ngắn của các đối tượng là dùng phần mềm thiết kế, xử lý hình ảnh để làm giả tài liệu, hình dấu trên máy vi tính rồi in ra giấy in ảnh, giấy cứng.

Đặc biệt, khó phát hiện hơn cả là việc các đối tượng sử dụng phôi, mẫu giấy tờ, tài liệu thật của cơ quan, tổ chức, rồi làm giả nội dung, chữ ký và con dấu; hoặc tẩy toàn bộ nội dung trên giấy tờ thật nhưng vẫn giữ nguyên chữ ký và hình dấu, sau đó thiết kế bản in trên máy vi tính và in giả lại toàn bộ nội dung. Vì vậy nạn nhân không chỉ là cá nhân mà còn là các tổ chức, cơ quan và việc phát hiện tội phạm thường quá muộn.

Một thực trạng khác, trong nhiều trường hợp lừa đảo bằng giấy tờ giả, cá nhân hay các nhân viên chuyên trách thường chủ quan hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để phân biệt giấy tờ thật, giả. Đến khi sự việc xảy ra mới soi lại các giấy tờ, tài liệu, mời chuyên gia tư vấn, tập huấn… thì đối tượng đã "cao chạy xa bay," đơn vị đó đã thiệt hại về uy tín, tiền bạc, còn cán bộ để xảy ra sự việc thì phải bồi thường vật chất, nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, Trung tá Nguyễn Quang Huy cũng nhấn mạnh, thủ đoạn làm giả dù tinh vi đến đâu cũng có thể nhận biết được trên cơ sở nắm được đặc điểm của tài liệu thật và những hạn chế trong các thủ đoạn làm giả.

Chẳng hạn, hình dấu thật thường có các đặc điểm như bố cục cân đối, dạng chữ thống nhất trên dòng, hàng chữ, có dấu vết in typo, chi tiết in mực phải đồng màu, ngấm vào sợi giấy; trục chữ ở vòng tròn ngoài xuyên tâm hình dấu.

Trong khi đó đối với hình dấu giả có thể nhận biết thông qua các thủ đoạn làm giả như in màu kỹ thuật số (in phun màu, in laser màu), in lưới, vẽ tay, khắc dấu giả in hình dấu, photocopy ghép…

Hình dấu giả in phun màu sẽ có chi tiết in, mực không đồng màu; chi tiết không sắc nét, không có dấu vết in typo, mực ngấm sâu vào sợi giấy có thể ngấm sang cả mặt sau…

Hình dấu giả được in lưới sẽ có các đặc điểm chi tiết in, mực đậm (dầy) không sắc nét, không có dấu vết in typo, mực ngấm sâu vào sợi giấy, mép ngoài chi tiết in có dạng răng cưa; chi tiết nhỏ, không rõ ràng; trong chi tiết in có thể quan sát thấy mắt lưới…

Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả xảy ra, bên cạnh việc truy quét của lực lượng chức năng, mỗi cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, công chứng viên cũng cần cảnh giác cao đối với các loại giấy tờ, tài liệu, cần trang bị kiến thức, kỹ năng phát hiện giấy tờ, chữ ký giả để phòng ngừa, đồng thời thông báo kịp thời tới các cơ quan chức năng khi nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ…/.

Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục