Hà Nội giải quyết hài hòa quan hệ giữa bảo tồn và phát triển du lịch

Với kiến trúc độc đáo, bề dày lịch sử hàng trăm thậm chí cả nghìn năm, mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long, các di sản là điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi tham quan Thủ đô.
Hà Nội giải quyết hài hòa quan hệ giữa bảo tồn và phát triển du lịch ảnh 1Bia tiến sỹ tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, các di tích trên địa bàn thành phố là niềm tự hào của Thủ đô văn hiến.

Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn, toàn thành phố Hà Nội hiện có 5.922 di tích; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố. Ngoài ra, Hà Nội còn có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, điều này đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Giải quyết hài hòa quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch sẽ tạo sự bền vững trong phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.

Các di sản nổi bật của Hà Nội được nhắc đến nhiều như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, chùa Trấn Quốc…

Với kiến trúc độc đáo, bề dày lịch sử hàng trăm thậm chí cả nghìn năm, mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long, các di sản này là điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi tham quan Thủ đô.

Bên cạnh đó, các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, Lễ hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, múa rối nước, hát ca trù... đều là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Hà Nội.

Song hành với bảo tồn, công tác phát huy giá trị di sản đặc biệt được coi trọng để quảng bá hình ảnh, lan tỏa các giá trị đến đông đảo người dân và du khách, trong đó du lịch là kênh truyền tải hiệu quả.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích rất quan trọng, do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc.

[Hà Nội xây dựng Food Tour giúp du khách tự trải nghiệm]

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố luôn được cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở quan tâm, đầu tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các di tích thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý được thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị, trung bình mỗi năm (từ năm 2015 đến nay), Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, thu về hàng chục tỷ đồng.

Hà Nội giải quyết hài hòa quan hệ giữa bảo tồn và phát triển du lịch ảnh 2Di tích Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm” đã tập trung tu bổ đình Cam Thịnh, đền và lăng Vua Ngô Quyền. Hiện nay, các điểm di tích và nhà cổ vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa là điểm thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.

Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy thế mạnh của di sản, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao, ngành du lịch Hà Nội phối hợp cùng cơ quan liên quan tập trung công tác quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô. Trong đó, tập trung vào các công trình trọng điểm như Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long, làng gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, thành Cổ Loa,...

Sở Du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Đó là tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả, phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cố, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian.

Sở Du lịch khuyến khích đơn vị lữ hành phối hợp với điểm đến di tích xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng công nghệ trên nền tảng các sản phẩm du lịch truyền thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục