Hà Nội giám sát sử dụng, vận hành cần trục tháp

UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc sử dụng, vận hành cần trục tháp trong quá trình thi công.
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng cần trục tháp như đứt cáp, rơi mã hàng trong quá trình cẩu, đổ cần trục tháp... gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Bảo hộ lao động - An toàn vệ sinh lao động-Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội, trong những năm qua, cùng với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn có những diễn biến phức tạp.

Hàng năm, trung bình Hà Nội đã để xảy ra 140 vụ tai nạn lao động nặng và chết ng­ười, làm thiệt hại vật chất hàng trăm tỷ đồng. Riêng năm 2011, trên địa bàn thành phố đã để xảy ra 123 vụ tai nạn lao động làm chết và bị thương 126 người. Đặc biệt, số người chết ngày càng tăng và tai nạn lao động chủ yếu xảy ra ở các công trình xây dựng nhà cao tầng có kết cấu phức tạp, các công trình xây lắp điện và tai nạn do máy móc thiết bị (chiếm 62%).

Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động chủ yếu xuất phát từ việc người sử dụng lao động và người lao động vi phạm tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn. Một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động thiếu quan tâm, đầu tư cho công tác An toàn vệ sinh lao động-Phòng cháy chữa cháy và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, lực lượng làm công tác bảo hiểm lao động tại cơ sở chưa phát huy được hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, trình độ của người lao động trong lĩnh vực xây dựng còn rất thấp, phần lớn lao động của các doanh nghiệp là lao động thời vụ, nông nhàn từ các tỉnh được các “cai đầu dài” đưa về Hà Nội làm việc. Trong khi đó, công tác thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động-Phòng cháy chữa cháy còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm về pháp luật bảo hộ lao động còn diễn ra khá phổ biến, đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.

Để ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót kỹ thuật trong quá trình vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng, vận hành thiết bị này trong quá trình thi công.

Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội định kỳ và đột xuất thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn cần trục tháp của các Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn đang hoạt động trên địa bàn, bảo đảm quy phạm kỹ thuật; phát hiện và kiêm quyết dừng, không cho phép đưa vào vận hành sử dụng những cần trục đã quá niên hạn sử dụng, hệ số an toàn không bảo đảm; chỉ đạo việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký cần trục tháp trước khi đưa vào sử dụng bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Đồng thời, Sở này phải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn khi sử dụng, vận hành cần trục tháp của các nhà thầu thi công, chủ sở hữu cần trục tháp; tạm ngừng hoặc đình chỉ sử dụng cần trục tháp và xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm theo quy định về sử dụng cần trục tháp; chỉ cho phép sử dụng, vận hành trở lại khi đã hoàn thành việc khắc phục sự cố.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ việc thiết kế, phê duyệt tổng mặt bằng công trường xây dựng, biện pháp thi công, các điều kiện sử dụng, vận hành cần trục tháp, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ trên công trường, tập trung chủ yếu vào các nội dung liên quan đến vị trí lắp dựng, biện pháp thi công, cảnh báo khu vực nguy hiểm.../.

Minh Nghĩa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục