Hà Nội gỡ khó trong giải phóng mặt bằng dự án qua đối thoại

Long Biên đã đưa ra “công thức” 7 bước trong giải phóng mặt bằng; trong đó, chú trọng đến công khai minh bạch giá đền bù, tuyên truyền nắm bắt tư tưởng, đối thoại tháo gỡ vướng mắc.
Hà Nội gỡ khó trong giải phóng mặt bằng dự án qua đối thoại ảnh 1Công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã phê duyệt xong 61/61 tổ chức, 1.363/1.363 hộ dân. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Do đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển hạ tầng đô thị mạnh mẽ dẫn tới mỗi năm khối lượng giải phóng mặt bằng tại Hà Nội rất lớn. Vì vậy, đối thoại tháo gỡ khó khăn đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng đang là một trong những giải pháp mà Thủ đô ưu tiên thực hiện.

Tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức…, một vài năm gần đây mỗi địa phương đã giải phóng mặt bằng hàng trăm ha để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các nhà máy doanh nghiệp, trung tâm thương mại, nhà ở…

Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, các địa phương trên đều đặt việc đối thoại với người dân khi giải quyết các khúc mắc về pháp lý, giá cả đền bù cũng như khu tái định cư... nhằm hạn chế việc cưỡng chế trong giải phóng mặt bằng.

Theo kế hoạch ngày 9/7, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm sẽ tổ chức cưỡng chế, giải phóng, thu hồi mặt bằng liên quan đến một số hộ dân nằm trong khuôn viên dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam tại xã Dương Xá (Gia Lâm).

Dự án nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Gia Lâm được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt; dự án nằm trong danh mục các dự án thu hồi đất được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua…

[Bộ GTVT: Nhiều dự án giao thông đang bị mặt bằng ngâm tiến độ]

Trước ngày cưỡng chế, các phòng ban liên quan của huyện Gia Lâm đã kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với 9 hộ dân chưa nhận tiền đền bù đất. Buổi đối thoại đã thu nhận nhiều ý kiến về giá đền bù đất nông nghiệp thấp; chính quyền hỗ trợ cho các hộ đã có công tôn tạo ao, vườn…

Trực tiếp trả lời các hộ dân tại buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan của huyện Gia Lâm đã nêu rõ những căn cứ pháp lý để thực hiện việc thu hồi đất; các quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng đã được Thanh tra thành phố thanh tra và có kết luận các cơ quan chức năng của huyện thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Sau buổi đối thoại đã có 2 hộ dân đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhận tiền đền bù đất theo quy định hiện hành.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm Thạch Thị Hương cho biết, đến khi thực hiện cưỡng chế, Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo xã Dương Xá thành lập các tổ liên ngành để tuyên truyền vận động người dân bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Hà Nội gỡ khó trong giải phóng mặt bằng dự án qua đối thoại ảnh 2Cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại thôn Đoài và thôn Đông, xã Kim Nỗ (Đông Anh). (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Liên quan đến đối thoại, dân vận trong công tác giải phóng mặt bằng, quận Long Biên đã lấy chủ đề năm 2021 là: “Dân vận khéo trong công tác giải phóng mặt bằng.”

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Long Biên, địa phương đã đưa ra “công thức” 7 bước trong giải phóng mặt bằng; trong đó, chú trọng đến công khai minh bạch giá đền bù, tuyên truyền nắm bắt tư tưởng, đối thoại tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Từ việc dân vận, tuyên truyền đã hóa giải nhiều “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng tại hàng trăm dự án trên địa bàn quận.

Tại huyện Đông Anh, ông Lê Trung Kiên, Bí thư huyện ủy cho hay, trong 3 năm lại đây huyện đã giải phóng mặt bằng, bàn giao hơn 430 ha đất, liên quan hơn 7.300 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, với số tiền đền bù là 2.500 tỷ đồng.

Để hoàn thành khối lượng công việc “khổng lồ,” ngoài công khai minh bạch, đơn giá đền bù hỗ trợ, huyện còn tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại để tuyên truyền, phổ biến các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tới gần 10.000 hộ dân nhằm giải đáp các vấn đề liên quan.

Ngoài ra, huyện còn ban hành quy trình giải phóng mặt bằng với 18 bước, cụ thể hóa các văn bản của cấp trên để người dân và doanh nghiệp nắm được. Nhờ đó, hầu hết nhân dân đồng thuận chủ trương của Đảng, chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao đất cho chủ đầu tư.

Tại quận Hai Bà Trưng, quận đã lấy đối thoại là trọng tâm nên quá trình giải phóng mặt bằng tuyến đường vành đai 2 (giai đoạn 1) ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân nhưng đã không phải thực hiện cưỡng chế trường hợp nào.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ phải giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000 ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân với số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng.

Thành phố phải bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân sau khi giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Hà Nội xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã cùng ban ngành tập trung thực thi.

Để việc giải phóng mặt bằng được thuận lợi, không gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án, vừa qua Nghị quyết số 08-NQ/TU mới đây của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 và những năm tiếp theo” yêu cầu: thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp xây dựng kế hoạch thực hiện cho cơ quan mình. Chủ tịch các quận, huyện thị xã rà soát lại quy trình và phương pháp thực hiện của địa phương, lấy tiến độ hiệu quả, đúng pháp luật là phương châm chỉ đạo.

“Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, huyện, thị xã phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, không được ủy quyền lại cho cấp phó,” Nghị quyết trên của Thành ủy Hà Nội yêu cầu.

Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo, đưa việc giải phóng mặt bằng vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục