Hà Nội: Hơn 270 tỷ đồng quy hoạch cây xanh, công viên, hồ

Quy hoạch này nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch cây xanh đô thị Hà Nội đến năm 2030 với chỉ tiêu 70% không gian xanh - 30% phát triển đô thị.
Hà Nội: Hơn 270 tỷ đồng quy hoạch cây xanh, công viên, hồ ảnh 1Hồ Gươm. (Ảnh Trọng Đạt/TTXVN)

Ngày 15/5, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức công bố công khai Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch này nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch cây xanh đô thị trong Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 với chỉ tiêu 70% không gian xanh - 30% phát triển đô thị.

Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết vấn đề ô nhiễm trong khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Theo quy hoạch, chỉ tiêu cây xanh khu vực đô thị trung tâm Nam sông Hồng là 2,2m2/người, chuỗi đô thị Đông Vành đai 4 là 3,4m2/người, khu vực vành đai xanh 5,2m2/người, chuỗi đô thị Bắc sông Hồng 2,7m2/người, đô thị vệ tinh 3,5m2/người, thị trấn sinh thái 3,6m2/người.

Khu vực nội đô của thành phố sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới; đồng thời cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có và Hà Nội sẽ có 7 khu công viên đặc thù.

Thành phố Hà Nội sẽ chia thành 2 khu vực lớn. Khu vực nội đô lịch sử được giới hạn bởi đường đê sông Hồng và đường vành đai 2, bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ.

Tại khu vực này, thành phố sẽ triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công viên cây xanh theo quy hoạch quận, huyện; tăng cường cây xanh trong các khu chung cư cũ với chỉ tiêu 1m2/người, chiếm khoảng 8-10% quỹ đất khu cải tạo.

Khu vực nội đô mở rộng nằm về phía Tây khu vực nội đô lịch sử, giới hạn bởi đường vành đai 2, đường đê sông Hồng, sông Nhuệ và đường vành đai 3 bao gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, một phần quận Tây Hồ, Hà Đông, huyện Thanh Trì và huyện Từ Liêm. Khu vực này sẽ hình thành 3 điểm trọng tâm là Hồ Tây và phụ cận; khu Mỹ Đình và khu Yên Sở.

Đô thị lõi sẽ phải đảm bảo nguyên tắc “có đường là có cây xanh.” Theo đó, vấn đề bảo tồn, chăm sóc các tuyến cây xanh đường phố lâu năm, tạo dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến phố như Nguyễn Du, Lò Đúc, Phan Đình Phùng được chú trọng.

Các tuyến đường mới mở sẽ được trồng cây; phủ xanh tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị bằng cây leo; kết hợp yếu tố thiết kế đô thị với thiết kế cảnh quan trên các tuyến đường, giải phân cách có mặt cắt ngang lớn…

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống cây xanh đô thị dự kiến khoảng 270.404 tỷ đồng; trong đó, thành phố trung tâm khoảng 211.000 tỷ đồng, đô thị vệ tinh 51.000 tỷ đồng, thị trấn sinh thái 8.400 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở sẽ chủ trì phối hợp với các ngành, quận, huyện, thị xã trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, 5 năm và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư.

Đồng thời, cơ quan này nghiên cứu, kiến nghị với Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành các cơ chế, quy chế phù hợp các quy định của Nhà nước để thực hiện quy hoạch.

Chủ trương của thành phố Hà Nội là khuyến khích sử dụng tối đa các nguồn lực khác ngoài vốn ngân sách tham gia đầu tư xây dựng công viên, cây xanh, vườn hoa và hồ nước trên địa bàn thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục