Hà Nội: Khan hiếm thực phẩm, bà nội trợ kêu trời!

Chiều ngày 17/7, khi những hạt mưa báo bão bắt đầu, đường phố vắng hẳn, tại các chợ cảnh mua bán vội vàng, đắt đỏ y như chiều 30 Tết.
Hà Nội chiều muộn ngày 17/7, những hạt mưa báo bão đầu tiên đã bắt đầu. Cơn bão số 1 đã về Thủ đô, đường phố vắng hẳn. Tại các chợ, cảnh mua bán vội vàng, đắt đỏ y như chiều 30 Tết.
 
Gần 18h, loa các phường vang lên thông báo: Ngày 18/7 bão sẽ đổ bộ  vào Hà Nội, làm những người  dân  bận rộn nghĩ rằng ở giữa Thủ đô, đi chợ chiều vẫn còn kịp đã  nháo nhào lao ra chợ để  trữ lương, tích thực phẩm vội cho gia đình.

Khan hiếm thịt

Phóng viên Vietnam+ có mặt tại chợ Châu Long - một chợ có tiếng vì có nhiều hàng bán cá tươi, vậy mà  cả dãy hàng cá không còn một con con cá nào. Chỉ còn mấy hàng bán ốc chưa hết hàng vì ốc không phải là món hợp việc chống bão.

Ban quản lý chợ Châu Long (Ba Đình, Hà Nội) đã thông báo đến các hộ kinh doanh rằng: Bà con phải lập tức dọn dẹp chằng buộc, chuẩn bị thật kỹ đề phòng bão, phòng mưa lụt. Phải có tâm lý sẵn sàng với tình hình xấu như mấy ngày không vào được chợ.

Tại phố Hòe Nhai, nơi có “phố chợ” hai bên đường nhiều loại thực phẩm sau hồi bán rất chạy gần đã hết veo. Theo chị Hoa, một cư dân ở đây. Sáng nay, 9h lúc nắng chang chang chợ đã hết thịt lợn. Còn hàng chiều thì chưa đến 5h chiều cả chợ không còn một miếng thịt lợn, thịt bò nào.

Cửa hàng bán thịt quay của chị Liên ở phố này nổi tiếng đắt hàng, chiều nào cũng người xếp hàng tấp nập như thời bao cấp, hôm nay lại vãn khách hơn. Người ta mua thịt tươi về trữ trong tủ lạnh hoặc về kho để ăn chứ món thịt quay không tiện để tủ lạnh ăn ngày mưa.

Trong nhóm những người chủ quan đi chợ muộn, có người nảy sáng kiến mua thịt quay về kho ăn thay thịt tươi, và ngay lập tức nhiều người theo cách này. Cho dù như thế nồi thịt sẽ đắt hơn khoảng gấp rưỡi và không phải ai cũng thích ăn thịt quay kho. Đắt hàng nhất là hàng muối vừng và lạc rang, ruốc thịt. Đây là những món "truyền thống" mùa mưa bão.

Khan hiếm củ quả, "sốt"... rau muống

Tại cửa chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng) người mua thức ăn cuối ngày nhớn nhác, không quan tâm đắt rẻ. Người này nhìn người kia lại càng nhân lên sự vội vàng, mua lấy được. Sợ bão về cây đổ, mất điện, ngập đường nên ai cũng cuống quýt.

Khó kiếm hơn cả là các lọại rau củ quả để được lâu. Cả mấy khu chợ quận Hoàn Kiếm và  quận Ba Đình không có lấy một quả bí xanh, còn khoai tây và cà rốt bỗng trở nên hiếm hoi. Rau muống đã được bán tới 10 ngàn đồng một mớ mà vẫn nhiều người mua. Chỉ có măng tươi là có vẻ sẵn nhưng không được người đi chợ chạy bão quan tâm.

Hàng bán nến cũng hết cháy nến vì không kịp đi lấy hàng bán. Chủ hàng giải thích: “Ai đi chợ cũng ghé mua mấy cây nến phòng khi bị cắt điện do mưa, bão. Biết vậy, chiều tôi lên chợ Đồng Xuân lấy thì đỡ.”

Vì bão về vào ngày nghỉ nên các cửa hàng bán đĩa hình cũng được quan tâm, có những khánh tranh thủ kiếm đĩa xem chuẩn bị cho việc ở nhà trú mưa bão sẽ đỡ buồn.

Chạy đến siêu thị “chống bão”

Nhiều người chậm chân không mua được ở chợ đã gấp rút chạy đến các siêu thị để mua, chính vì vậy những mặt hàng như mỳ ăn liền, thịt hộp đã bán đắt như tôm tươi tại các siêu thị, đại lý lớn.

Khi đến siêu thị BigC, chúng tôi thấy anh Tuấn ở Kim Mã đang sắp đồ nào là mỳ tôm, các loại thịt, rau lên xe ô tô. Anh cho biết, sáng nay thấy trời hửng nắng, vợ chồng tôi chủ quan, đến lúc xuống chợ Ngọc Khánh thì không còn một thứ gì để mua. Chợ này mọi khi người ta bán hàng đến chiều, thế mà hôm nay mới 9 giờ đã hết sạch. Chính vì vậy chúng tôi đã đến siêu thị này để mua.

“Rút kinh nghiệm trận “đại hồng thủy” cuối năm 2008, hồi đó gia đình tôi chủ quan nên mấy ngày liền không có rau và thức ăn để ăn. Mình còn chịu được chứ bọn trẻ làm sao mà chịu nổi, nên đợt này tôi mua các loại thức ăn để dùng mấy ngày liền,” anh Tuấn cho biết thêm.

Đang mua đồ tại siêu thị Fivimart, chị Nhung ở Nguyễn Văn Cừ - Long Biên tâm sự: "Đợt này nghe nói bão to lắm, nên mình cứ chuẩn bị trước, chủ yếu là mua đồ ăn nguội, đồ khô, ít củ, quả thôi. Thật ra, nếu ngập nước thì chắc cũng cùng lắm cũng chỉ 2-3 ngày, nhưng mình cứ mua sẵn, vì biết thể nào sau đợt mưa ngập giá cả thực phẩm cũng tăng vọt."

Anh Nguyễn Thành Nam, nhân viên siêu thị BigC cho biết, lượng khách đến siêu thị ngày 17/7 tăng hơn nhiều lần, sức mua tập trung chủ yếu vào ngành hàng thực phẩm như (thực phẩm công nghệ mặn, ngọt, đồ uống, thực phẩm đông lạnh, thịt, cá, rau củ quả). Tỷ trọng các mặt hàng này tăng 15% so với các mặt hàng phi thực phẩm trong ngày thường.

Siêu thị BigC cũng đã thành lập Ban phòng chống bão lụt và lên phương án chi tiết, cụ thể để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, lên kế hoạch trực đảm bảo mở cửa phục vụ khách hàng trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào Bắc bộ. Công tác dự trữ hàng hóa cũng đã được chuẩn bị chu đáo cả về số lượng cũng như chủng loại hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhóm hàng thiết yếu như mì gói, mì chính, nước mắm, gạo, rau-củ-quả...

Ngoài ra một nhóm hàng nữa dành cho phòng chống lụt bão cũng được đưa vào dự trữ đó là nến, đèn pin, đèn sạc, áo mưa, ủng, dụng cụ và các sản phẩm tẩy rửa, áo phao cứu sinh,... Siêu thị Big C đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng này lên 50% và sẽ cung cấp tới đông đảo người dân thủ đô với mức giá ổn định trước trong và sau bão.

Tình hình cũng tương tự tại Fivimart lãnh đạo hệ thống cho hay, sức mua các mặt hàng như thịt, gạo, rau củ, trứng đang tăng lên khá cao khiến sáng nay siêu thị đã cấp tập bổ sung thêm một lượng hàng lớn so với ngày thường.

Riêng rau và thịt thường ngày Fivimart chỉ giao 1 lần vào buổi sáng thì nay con số này đã tăng lên 2 lần gồm cả đầu giờ chiều. Các loại củ quả, lượng hàng dự trữ đủ bản trong cả tuần.

Còn nhớ cách đây gần hai năm, tháng 10/2008, với trận mưa lịch sử diễn ra trong ba ngày ba đêm, dù lượng mưa lúc đó chỉ vào khoảng 300mm song đã khiến người dân Hà Nội lao đao vì giá cả hàng hoá, đặc biệt là mặt hàng rau củ tăng cao, gấp rất nhiều lần so với ngày thường thì có thể, tình trạng này có thể tái diễn trong ngày một ngày hai tới./.

Nguyễn Anh-Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục