Hà Nội kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xe buýt

Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước đối với phần khối lượng đã thực hiện trong đó có xe buýt.
Nhiều đơn vị vận hành các tuyến buýt ở Hà Nội đã phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động và vẫn ngóng chờ thanh quyết toán. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhiều đơn vị vận hành các tuyến buýt ở Hà Nội đã phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động và vẫn ngóng chờ thanh quyết toán. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa có kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với việc thanh toán kinh phí đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong đó có xe buýt

Văn bản do ông Chu Ngọc Anh ký nêu rõ, ngày 18/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với việc thanh toán kinh phí đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trình Chính phủ xem xét, quyết định, chậm nhất trong tháng 11/2020.

Thực hiện chỉ đạo nêu trên, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 32, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành thuộc thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã để thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định mới của Chính phủ. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành thuộc thành phố và các quận, huyện, thị xã đã tích cực tuyên truyền chính sách mới và tổ chức thực hiện.

“Đến thời điểm hiện nay, các lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên trên địa bàn thành phố phải thực hiện theo phương thức đấu thầu đã hoàn thành xong công tác lựa chọn nhà thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công theo đúng quy định,” ông Chu Ngọc Anh nhìn nhận.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thừa nhận, quá trình tổ chức thực hiện, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, có một số ít lĩnh vực, các đơn vị chưa hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 31/12/2019 để thực hiện việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ ngày 1/1/2020.

Các lĩnh vực này gồm vận tài hành khách công cộng bằng xe buýt, duy tu, duy trì lĩnh vực vệ sinh môi trường, thoát nước, cây xanh, cung ứng dịch vụ thủy lợi...

Trong khi đó, để đảm bảo tính ổn định, liên tục, không bị gián đoạn và phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố, các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên năm 2019 vẫn phải tiếp tục thực hiện công tác duy tu, duy trì các lĩnh vực dịch vụ công nêu trên từ sau 1/1/2020 cho đến khi có kết quả đấu thầu.

[Chậm thanh toán trợ giá, xe buýt Hà Nội có nguy cơ phải tạm dừng chạy]

Mặt khác, do các lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ công thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước không đảm bảo đồng thời các điều kiện thực hiện theo phương thức đặt hàng quy định theo Nghị định 32, nên hiện nay, khối lượng thực hiện của các đơn vị hoạt động công ích trong khoảng thời gian nêu trên chưa đủ điều kiện để tạm ứng, thanh toán và quyết toán.

“Việc này dẫn đến khó khăn cho đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước về nguồn vốn hoạt động và chi trả lương cho người lao động,” ông Chu Ngọc Anh cho biết.

Để có cơ sở thanh toán, quyết toán kinh phí đối với khối lượng đã thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn cho một số đơn vị cung ứng dịch vụ công ích trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm có kết quả trúng thầu, ông Chu Ngọc Anh báo cáo Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước đối với phần khối lượng đã thực hiện.

Mức giá không cao hơn giá đã thực hiện đặt hàng theo hợp đồng năm 2019 và giá trúng thầu năm 2020 làm cơ sở để thanh toán và quyết toán kinh phí.

Trước đó, các doanh nghiệp vận hành tuyến buýt tại Hà Nội phản ánh đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối diện phải tạm dừng chạy nếu phương án thanh quyết toán kinh phí trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa được tháo gỡ kịp thời.

Theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 10/4/2019), thay vì cơ chế trợ giá theo đặt hàng, từ tháng 6/2019, 104 tuyến buýt có trợ giá của thành phố phải chuyển sang cơ chế đấu thầu. Trong năm 2019, đã có 36 tuyến hoàn thành việc này, 68 tuyến trợ giá khác chưa kịp tổ chức đấu thầu, sang đến hết quý 1/2020 việc đấu thầu mới xong.

Do vậy, toàn bộ kinh phí hoạt động 68 tuyến buýt chưa đấu thầu trong 3 tháng đầu năm 2020 (tổng giá trị kinh phí trợ giá đề nghị thanh toán từ phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo thành phố là gần 312 tỷ đồng) hiện chưa được thanh toán.

Trong khi đó, để duy trì hoạt động tuyến buýt, các đơn vị vận tải buýt phải vay tiền ngân hàng và “è cổ” trả nợ lãi vay để chờ ngày được thanh toán khoản tiền trợ giá ước tới vài trăm tỷ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực và ngóng chờ thanh quyết toán.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội thông tin chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng.

“Với lãi suất vốn vay từ 7 đến 8%/năm, nếu thành phố không sớm có giải pháp tháo gỡ, áp lực vận hành đang đè nặng trên vai các doanh nghiệp buýt và nguy cơ nhiều tuyến buýt phải tạm ngừng hoạt động là điều hoàn toàn có thể xảy ra,” ông Thông nhìn nhận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục