Hà Nội kiến nghị sửa đổi Luật bầu cử Quốc hội

Từ thực tiễn công tác bầu cử vừa qua, Ủy ban bầu cử Hà Nội đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử theo hướng cụ thể, chặt chẽ hơn.
Sáng 14/6, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 của thành phố Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo bầu cử thành phố Hà Nội khẳng định, cuộc bầu cử trên địa bàn thành phố đã thành công tốt đẹp, dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.

Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay trong bối cảnh Đảng tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, thành phố trải qua một năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Với hơn 4,8 triệu cử tri Thủ đô đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (đạt 99,39%), đã lựa chọn bầu đủ 30 đại biểu Quốc hội và 95 đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố.

Ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, thông qua cuộc bầu cử này, thành phố Hà Nội kiện toàn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Nhà nước. Đây là cơ sở để Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, làm cho đời sống xã hội nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng ngày càng phát triển.

Tại Hội nghị này, Ủy ban bầu cử thành phố đã kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Trung ương xem xét việc sửa đổi, bổ sung các Luật bầu cử theo hướng quy định tiêu chuẩn người tự ứng cử chặt chẽ hơn (ví dụ phải có điều kiện cụ thể khi tự ứng cử); người ứng cử khi nộp hồ sơ ứng cử phải có bản sao công chứng các văn bằng, chứng chỉ để đảm bảo cho việc lập danh sách trích ngang và biên tập tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử được chính xác; quy định thời gian từ vòng hiệp thương lần ba đến khi công bố danh sách những người ứng cử và niêm yết danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử dài hơn để có đủ thời gian sắp xếp và in ấn tài liệu.

Với lý do trong cuộc bầu cử lần này đã có một số biểu mẫu, biên bản không đồng bộ, phải sửa chữa hoặc bãi bỏ, làm cho các tỉnh, thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện, thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan giúp việc của Hội đồng bầu cử và cơ quan chuyên môn của Chính phủ (Bộ Nội vụ) cần thống nhất ngay từ đầu việc ban hành văn bản hướng dẫn và hệ thống biểu mẫu, biên bản bầu cử.

Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội, trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vừa qua, tiểu ban chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử thành phố đã tiếp 101 lượt công dân; Ủy ban bầu cử các huyện, quận, thị xã tiếp 632 lượt công dân.

Ủy ban bầu cử các cấp cũng đã tiếp nhận 615 đơn, có 219 vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử, trong đó thành phố tiếp nhận 83 vụ tố cáo đối với 52 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Tiểu ban chỉ đạo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đã xác minh, xem xét và kết luận các tố cáo là không đúng hoặc không có cơ sở. Nhân dịp này, thành phố Hà Nội khen thưởng 79 tập thể và 84 cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác bầu cử./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục