Cương quyết dẹp loạn

Hà Nội: Kiên quyết thu hồi giấy phép taxi vi phạm

Hà Nội lại một lần nữa tuyên bố dẹp loạn taxi dù, chấm dứt tình trạng taxi làm ăn chộp giật bằng các biện pháp mạnh như rút giấy phép.
Nhằm dẹp loạn taxi dù, lái xe taxi “khủng bố” hành khách, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, với những doanh nghiệp taxi làm ăn chộp giật, bán thương hiệu, đẩy phần khó cho cơ quan quản lý, thanh tra phát hiện sẽ kiên quyết thu hồi phù hiệu taxi, rút giấy phép kinh doanh.

Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng  tô theo tuyến cố định, bằng taxi và xe xích lô trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Giao thông Vận tải tổ chức vào hôm nay (4/6).

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thủ đô hiện có hơn 17.000 xe taxi nhưng có đến 111 doanh nghiệp được cấp phép, với khoảng 30.000 lái xe.

Xét về hiệu quả khai thác vận tải và hiệu quả xã hội, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giám đốc Vận tải Hà Nội cho rằng, taxi không thể so sánh với các loại hình vận tải công cộng vừa như xe buýt hay xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị.  

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định, taxi hiện nay rất khó kiểm soát bởi quá nhiều hãng taxi hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. Hơn nữa, lợi nhuận từ thu về hàng tháng nhờ số kinh phí từ bán “thương hiệu” lại không hề nhỏ đã góp phần làm taxi hoạt động bát nháo.

Cụ thể, tùy theo từng đơn vị, với giá trung bình thuê thương hiệu tại các hãng taxi ở Hà Nội hiện từ 1,5- 3 triệu đồng/tháng/xe. Hàng tháng, mỗi lái xe chỉ việc nộp về công ty một khoản phí dịch vụ nhất định (còn gọi phí quản lý) thì lái xe tự quản lý phương tiện, tự đổ xăng, doanh thu giữ lại 100%.

Thừa nhận về tình trạng taxi bát nháo, lộn xộn, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cũng cho rằng nguyên nhân của tình trạng taxi dừng đón/trả khách sai quy định là do có quá ít điểm dừng đỗ, toàn thành phố chỉ có 32 điểm.

[Chưa thể “thanh lọc” hết các hãng taxi “chặt chém”]

Ngoài ra, ông Bình cũng cho rằng, một xe taxi phải "cõng" trên lưng rất nhiều khoản thuế, phí cao.

Chứng minh vấn đề này, ông Bình đưa ra dẫn chứng, để vào được 32 điểm dừng/đỗ đã được bố trí, một xe taxi phải đóng 200.000 đồng/ngày, trung bình khoảng 60.000 đồng/điểm. Hà Nội hiện có 5 Trung tâm thương mại lớn, taxi muốn vào đây đón/trả khách thì trả phí không hề thấp. Thâm chí, các số bệnh viện “bán chỗ” cho các hãng với giá từ 20-50 triệu đồng/hãng. Nếu không “bán chỗ”, taxi ra vào đưa/đón bệnh nhân cũng phải nộp phí.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Hiệp hội Taxi thủ đô cũng phải nhìn nhận, trong tổng số hơn 17.000 xe taxi hoạt động hiện nay, chỉ có khoảng 30% số xe niêm yết đường dây nóng và cũng mới có 10 hãng taxi gắn thiết bị định vị và đồng hồ in hóa đơn để chống gian lận cước. Ngoài ra, hiện vẫn tồn tại khoảng 1.000 taxi dù.

Đặc biệt, theo thống kê của Hiệp hội Taxi Hà Nội, toàn thành phố mới có khoảng 3.000/30.000 lái xe taxi được đào tạo chứng chỉ hành nghề.

“Việc đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề này cũng rất hình thức, mang tính đối phó, chưa tạo được sự chuyển biến trong đạo đức, ý thức người lái xe,” ông Bình nhận định.

Để đưa taxi vào hoạt động quy củ và nâng cao chất lượng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị, với những doanh nghiệp không có biện pháp chống kích xung trên đồng hồ để tránh tình trạng gian lận cước, Sở Giao thông Vận tải nên tạm thời rút giấy phép kinh doanh.

Theo đánh giá của ông Đỗ Quốc Bình, việc quản lý hoạt động taxi hiện nay không phải chưa đủ chế tài, không thiếu cơ sở pháp lý mà có thể nói, các văn bản, chính sách khá chặt chẽ.

Ông Bình cũng đặt ra câu hỏi, mặc dù năm nào, ngành chức năng cũng có các đợt thanh kiểm tra sâu rộng qua đó phát hiện các sai phạm nhưng thực trạng hoạt động taxi vẫn lộn xộn chưa được chấn chỉnh?

“Thực chất, hoạt động thanh, kiểm tra xử phạt mới chỉ là ‘phần ngọn’. Điều cốt lõi phải chấm dứt được tình trạng bán ‘thương hiệu’ ăn tiền, siết cấp phép kinh doanh taxi, giám sát và hậu kiểm,” ông Bình đưa ra giải pháp.

Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, khẳng định những đơn vị taxi làm ăn chộp giật, bán thương hiệu, đẩy phần khó cho cơ quan quản lý, tới đây, thanh tra giao thông phát hiện sẽ xử lý nghiêm, thu hồi phù hiệu taxi, rút giấy phép kinh doanh./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục