Hà Nội: Ký kết liên ngành phối hợp phòng cúm H7N9

Sở Y tế Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết kế hoạch nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch cúm A/H7N9.
Ngày 15/4, Sở Y tế Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký Kế hoạch liên ngành phòng chống dịch cúm A/H7N9 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nội dung phối hợp tập trung vào công tác giám sát, điều tra xử lý ổ dịch; đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cúm A/H7N9; đào tạo, tập huấn và nghiên cứu khoa học.

Hai đơn vị đầu mối tiếp nhận thông tin là Trung tâm Y tế Dự phòng và Chi cục Thú y.

[Virus H7N9 có khả năng phát tán qua chim di trú]

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2003 đến nay, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục tái phát trên địa bàn Hà Nội (riêng 2006 không có dịch). Các ổ dịch mang tính nhỏ lẻ, được phát hiện kịp thời khoanh vùng khống chế nên không lây lan ra diện rộng. Dịch xảy ra trên 100% đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắcxin, trên 80% đàn thủy cầm.

Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn chưa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nào.

Trước nguy cơ lây lan dịch cúm A/H7N9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tăng cường lấy mẫu gia cầm và sản phẩm từ gia cầm tại các chợ, cơ sở giết mổ, đặc biệt nguồn gia cầm đưa từ các tỉnh biên giới về để xét nghiệm, nhưng chưa phát hiện mầm bệnh cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9.

Sở cũng đã tiến hành tiêm phòng cho 7 triệu con gia cầm; vệ sinh khử độc chuồng trại chăn nuôi; tuyên truyền vận động cho người chăn nuôi phòng chống dịch bệnh, không được bán, giết mổ khi đàn gia cầm có triệu chứng dịch bệnh.

Trong giai đoạn chưa có dịch cúm gia cầm xảy ra, ngành thực hiện quản lý chặt chẽ công tác kiểm dịch vận chuyển gia cầm ra, vào địa bàn; kiểm soát việc buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm ở các chợ, đặc biệt là chợ đầu mối như Hà Vỹ-Thường Tín; các chợ thị xã, thị trấn; các cơ sở ấp trứng gia cầm.

Các ngành chức năng khuyến khích các hộ đưa hoạt động chăn nuôi gia cầm ra khỏi khu dân cư, chủ động mua vắcxin tiêm phòng cho đàn gà thương phẩm...

Ngoài ra, Sở cũng xây dựng phương án sẵn sàng đối phó khi dịch xảy ra nhưng chưa lây sang người; dịch cúm gia cầm đã lây lan ra diện rộng...

Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và phòng đại dịch, Hà Nội đã thành lập “Dự án Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và phòng đại dịch thành phố Hà Nội năm 2013” (gọi tắt là Ban Quản lý dự án VAHIP Hà Nội) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Quy chế phối hợp phòng, chống dịch bệnh và thống kê cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Quy chế này nhằm nâng cao hiệu qủa công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với mục tiêu quản lý được 85-90% lượng gia súc, gia cầm giết mổ trên địa bàn thành phố.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo giữa Sở với hệ thống cơ quan thú y, bảo vệ thực vật, cán bộ kỹ thuật thú y, bảo vệ thực vật với các công ty, trạm, trại và chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, Sở thực hiện thống kê, tổng hợp các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, qua đó đề xuất phương án cụ thể để thực hiện mục tiêu quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc triển khai công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố./.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục