Hà Nội lập nhiều mô hình quản lý, kiểm soát gần 16.000 người nghiện

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung xây dựng, hoàn thành 10 trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội và quản lý sau cai nghiện ma túy, với tổng diện tích 147ha.
Hà Nội lập nhiều mô hình quản lý, kiểm soát gần 16.000 người nghiện ảnh 1Người nghiện ma túy được điều trị bằng Methadone. Ảnh minh họa. (Nguồn: Thế Duyệt/TTXVN)

Chiều 12/3, tại Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực cai nghiện ma túy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá số người nghiện trên địa bàn giảm đáng kể và ngày càng có nhiều người nghiện được đưa vào các trung tâm cai nghiện, trường giáo dưỡng, trại giam.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, số người nghiện có hồ sơ quản lý hiện nay là gần 16.000 người, giảm khoảng 1.565 người so với thời điểm cuối năm ngoái (năm 2014 có 17.166 người). Trong đó, hơn 7.000 người có mặt tại cộng đồng, 4.390 người được quản lý tại các trung tâm, 2.458 người tại các trường giáo dưỡng, trại tạm giam.

Để chuẩn bị quản lý tốt người nghiện, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung xây dựng, hoàn thành 10 trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội và quản lý sau cai nghiện ma túy, với tổng diện tích 147ha, công suất thiết kế 11.150 chỗ cai nghiện và quản lý sau cai.

Trong hai tháng qua, để giải quyết vướng mắc, khó khăn tại cơ sở, Hà Nội đã có nhiều mô hình như 28/30 quận, huyện, thị xã đã thành lập được 448 tổ công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; thành phố mở thêm các điểm điều trị thay thế bằng Methadone tại nhiều trung tâm trên địa bàn.

Thành phố đã xây dựng thí điểm đề án chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội số 5 sang mô hình Trung tâm cai nghiện tự nguyện. Sau hai tháng, mô hình đã phát huy hiệu quả, tổ chức cai nghiện tự nguyện cho 334 người… Hà Nội đang xây dựng đề án nâng cao chất lượng công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở đến năm 2020, khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho rằng mặc dù thời gian đầu đã có sự chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cả trong văn bản chính sách, cũng như thực tế triển khai. Vì đây là lĩnh vực khó, phức tạp, nên tới đây cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục