Hà Nội lo rác thải tồn đọng do lệnh cấm xe Hooklift

Theo đại diện các đơn vị chở rác, trường hợp cấm tất cả các loại xe không có bộ phận cuốn ép chở rác sẽ đồng nghĩa với việc Hà Nội có nguy cơ tồn đọng 1.500 tấn rác mỗi ngày.
Hà Nội lo rác thải tồn đọng do lệnh cấm xe Hooklift ảnh 1Xe chuyên dùng Hooklift chuyên chở rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) 

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra văn bản số 622/ SXD-MT, quy định “từ ngày 1/4/2014 tất cả các loại xe không có bộ phận cuốn ép (kể cả xe chuyên dùng chở rác nhập khẩu) sẽ không được tham gia vận chuyển rác về các khu xử lý rác thải tập trung tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.”

Tuy nhiên, quy định trên đã bị các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa phản đối mạnh mẽ, bởi trường hợp không cho xe chuyên dùng Hooklift chở rác trọng tải lớn về các khu xử lý rác thải sẽ đồng nghĩa với việc mỗi ngày trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 tấn rác thải sinh hoạt tồn đọng, dẫn tới nguy cơ "rác chất cao thành núi" và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.

Đáng lo ngại nhất là tại địa bàn các quận, huyện đông dân cư-nơi có lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường lên tới hàng trăm tấn mỗi ngày như: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Từ Liêm, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng…

Không những thế, việc cấm tất cả các loại xe không có bộ phận cuốn ép tham gia gia chở rác còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng, cũng như gây thiệt hại to lớn đến các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thực hiện đấu thầu, đặt hàng các gói thầu vệ sinh môi trường.

Lý giải cho mối quan ngại trên, ông Đinh Văn Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông cho rằng, nếu quy định trên được áp dụng thì toàn bộ số xe Hooklift mà các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đã bỏ tiền túi mua hơn 2 tỷ đồng/xe, sử dụng các năm qua sẽ không thể vận chuyển các mặt hàng khác ngoài rác.

Theo ông Tiến, sở dĩ xe Hooklift tải trọng lớn (xe chở rác thùng rời) không thể vận chuyển các loại hàng hóa khác, nếu bị cấm chở rác, vì loại xe này ban đầu đăng ký, đăng kiểm đều ghi rõ xe chở rác. Kéo theo đó, toàn bộ hệ thống xe tải nhỏ thu gom, vận chuyển rác từ khu dân cư tới trạm (xe 1-2 tấn) sẽ phải thanh lý với giá rẻ.

Cùng với đó, các trạm trung chuyển và nén ép rác đã đầu tư không thể sử dụng do không phù hợp cơ cấu nạp rác của xe cuốn ép (loại xe cuốn ép rác trưc tiếp thông qua lưỡi cuốn và tấm ép di động).

“Bởi vậy, khi quy định trên được ban hành, toàn bộ cỗ xe tiền tỷ mà công ty nói riêng, cũng như toàn bộ số xe Hooklift mà các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đã đầu tư sẽ hóa thành sắt vụn,” ông Tiến lo ngại.

Cùng chung nỗi lo, ông Phạm Thiện Tài, Chủ tịch Hợp tác xã Thành Công chia sẻ, nhiều năm qua, đơn vị này sử dụng xe Hooklift để vận chuyển rác rất hiệu quả. Thực tế, mỗi ngày hơn 30 chiếc xe chuyên dùng của đơn vị này đã vận chuyển 700 tấn rác về khu xử lý rác thải tập trung tại xã Nam Sơn, nhà máy và các khu chôn lấp khác.

“Tuy nhiên, quy định nêu trên của Sở Xây dựng sẽ buộc chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn công nghệ thu gom và vận chuyển rác trên tất cả các địa bàn. Đây là việc làm mất rất nhiều thời gian, phức tạp và tốn kém do phải bổ sung lao động thủ công, đầu tư thêm xe thu gom rác thủ công như trước khi chuyển đổi công nghệ. Như vậy là thụt lùi,” ông Tài bức xúc.

Không những vậy, theo ông Tài, việc “xóa tên” loại xe Hooklift khỏi mục đích chở rác cũng sẽ khiến các khu dân cư chật hẹp tái diễn cảnh hàng dãy dài xe 3 bánh chất đầy rác chờ được xe cuốn ép đến thu cẩu. Và, những chiếc xe cuốn ép cỡ lớn đỗ trên các tuyến đường chật hẹp sẽ lại diễn một điệp khúc "gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường."

Ngoài ra, khi đưa xe chuyên dùng có bộ phận cuốn ép vào sử dụng sẽ tăng chi phí vận chuyển và lãng phí ngân sách (mỗi chuyến xe cuốn ép luôn phải cõng trên mình bộ phận chuyên dùng cuốn ép nặng từ 2 đến 2,5 tấn) tiêu tốn một lượng nhiên liệu không nhỏ.

Cùng với đó, xe chuyên dùng có bộ phận cuốn ép cũng dẫn tới việc tăng mật độ giao thông trên tuyến đường đến khu xử lý rác của thành phố; trong đó có trục giao thông trọng điểm đón khách quốc tế: Bắc Thăng Long – Phạm Văn Đồng – Phạm Hùng. Đặc biệt là tuyến đường 35 vào khu xử lý rác Nam Sơn.

Hà Nội lo rác thải tồn đọng do lệnh cấm xe Hooklift ảnh 2Việc cấm xe chuyên dùng Hooklift ngừng chở rác sẽ khiến hàng chục "con trâu sắt" này thành sắt vụn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) 
Trong khi đó, theo đại diện Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long, việc áp dụng công nghệ trung chuyển rác bằng xe Hooklift tải trọng lớn mang lại những lợi ích sau: Giảm việc thu gom rác bằng xe gom rác đẩy tay thủ công. Cùng với đó, sử dụng xe Hooklift tải trọng lớn sẽ góp phần giảm các điểm tập kết xe chứa rác chờ cẩu lên xe cuốn ép (xe cuốn ép rác trực tiếp thông qua lưỡi cuốn và tấm ép di động) tại các khu dân cư, cũng như hạn chế ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến dân sinh. Hơn nữa, dòng xe Hooklift tải trọng lớn cũng góp phần giảm mật độ tham gia giao thông của các phương tiện vận chuyển rác có tải trọng nhỏ trên các trục đường chính và các tuyến đường dẫn vào các khu xử lý rác tập trung của thành phố; giảm được nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm do khí thải. "Đặc biệt, việc sử dụng xe Hooklift tải trọng lớn sẽ là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội trong định hướng về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2015 – 2030 (tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thực hiện từ năm 2000)," đại diện Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long nhấn mạnh. Về việc một số thông tin cho rằng các xe Hooklift là thủ phạm gây chảy nước rác và rơi vãi rác ra đường, đại diện các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thừa nhận đánh giá này đúng ở thời điểm trước tháng 10/2013. Tuy nhiên, sau đó 100% các đơn vị có xe đã tiến hành lắp các vách ngăn chống chảy nước rỉ rác tại cuối thùng. Đến nay, các xe Hooklift đã không còn hiện tượng chảy nước hay rơi vãi rác trên đường vận chuyển. Mặt khác, rác được thu gom về qua các trạm trung chuyển đã được đảo trộn và qua thiết bị nén ép hoặc máy xúc nén rác vào thùng, trong quá trình nạp nén này nước rỉ rác đã được thu hồi vào hố ga tại trạm để xử lý theo quy trình. Ngược lại, theo đại diện các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, thủ phạm chính gây chảy nước rác trên các điểm cẩu hay trên đường vận chuyển rác thời điểm này lại chủ yếu là các xe cuốn ép, bởi các xe cuốn ép mặc dù có bình chứa nước rác nhưng dung tích khá hạn chế (50 đến 60cm3/10 đến 12 tấn rác đã được ép). Chính vì vậy, khi vận chuyển, nước rỉ rác thường phát sinh trong quá trình ép rác chảy ngay tại chân điểm cẩu (trên các đường phố hoặc các khu vực công cộng trong khu dân cư) gây mùi hôi thối rất khó chịu và mất vệ sinh và là mầm mống của dịch bệnh. Qua thực tế nêu trên, đại diện các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn và các cơ quan chuyên ngành thuộc Sở Xây dựng Hà Nội xem xét lại quy định chỉ dùng xe chuyên dùng cuốn ép để vận chuyển rác về các khu xử lý rác tập trung của thành phố, tránh tình trạng "rác thải chất cao thành núi"./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục