Hà Nội lý giải vì sao dự án xe buýt nhanh BRT chậm tiến độ

Dự án xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) chậm do phải điều chỉnh thiết kế phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô và điều chỉnh hướng phù hợp với đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Hà Nội lý giải vì sao dự án xe buýt nhanh BRT chậm tiến độ ảnh 1

Trước thực trạng dự án xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) thời gian qua có những hạng mục chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã báo cáo giải trình những vấn đề liên quan đến dự án này.

Hợp phần BRT là một trong ba hợp phần của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội vay vốn ODA của WB, với mục tiêu xây dựng thí điểm một tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt BRT để tăng cường năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải hành khách công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên một trục giao thông rất quan trọng của thành phố từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố. Loại hình vận tải hành khách công cộng mới này được triển khai thí điểm lần đầu ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng khá thành công ở rất nhiều nước trên thế giới.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá về tiến độ thực hiện hợp phần BRT nói riêng và dự án phát triển giao thông đô thị nói chung còn chậm, do quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội sau khi hợp nhất năm 2008; điều chỉnh hướng của tuyến cho phù hợp với dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (đoạn từ Khất Duy Tiến-Quang Trung đi theo Quốc lộ 6 do trùng tuyến với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông); quá trình triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn do mặt đường chật hẹp, mật độ, lưu lượng giao thông lớn, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông, thời gian thi công chủ yếu vào ban đêm;

Mặt khác, do loại hình vận tải hành khách công cộng này lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn thiết kế riêng cho loại hình này nên trong quá trình lập và phê duyệt thiết kế phải vận dụng, tham khảo quy trình, quy phạm và các thiết kế của nước ngoài xong phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình trạng giao thông, đi lại cũng như thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (đặc biệt là sử dụng nhiều xe máy) của người dân Thủ đô… Do đó, quá trình thực hiện yêu cầu cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế làm cơ sở triển khai thực hiện. Đến nay, dự án điều chỉnh đã được Bộ Xây dựng thẩm định, Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt, dự kiến hoàn thành 31/12 theo đúng tiến độ của hiệp định gia hạn.

Dự án bị chậm có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, các nguyên nhân này đã được chủ đầu tư báo cáo giải trình khi trình gia hạn Hiệp định tín dụng và trình phê duyệt điều chỉnh dự án. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã tập trung khắc phục và chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng hợp phần BRT trong năm nay.

Tính đến thời điểm hiện nay, các hạng mục công việc đã thực hiện trong hợp phần xe buýt BRT gồm thi công xong trạm trung chuyển bến xe Kim Mã; thi công xong trạm đầu cuối bến xe Yên Nghĩa; xây dựng xong bốn cầu vượt tiếp cận nhà chờ; xây dựng cơ bản xong các hạng mục chính của 21/21 nhà chờ; xây dựng xong khu depot trong bến xe Yên Nghĩa; thảm vuốt nối đường Giảng Võ; lắp đặt xong thiết bị tại khu depot…

Hiện nay, một số hạng mục đang thi công như cải tạo, mở rộng đường đoạn từ Ba La đến bến xe Yên Nghĩa; xây dựng bổ sung bốn cầu đi bộ tại các nhà chờ; triển khai gói thầu mua sắm thiết bị thẻ vé (lắp đặt trong nhà chờ và trên xe buýt); đoàn xe; tổ chức giao thông trên toàn tuyến và một số hạng mục phụ trợ khác. Dự kiến, các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành và tiến hành chạy thử vào quý 3 và sẽ vận hành chính thức tuyến BRT vào quý 4.

Tuy nhiên, tình trạng các nhà chờ đã xây dựng nhưng chưa hoàn thiện thiết bị đang bị mất vệ sinh là do yếu tố duy tu, duy trì chưa được thường xuyên vì hiện nay các hạng còn lại của nhà chờ còn đang trong quá trình thi công như hệ thống lối ra vào nhà chờ; các thiết bị trong nhà chờ (thiết bị thông tin, giám sát, thẻ vé…) vẫn chưa lắp đặt được nên chưa bàn giao được cho đơn vị khai thác, vận hành. Mặc dù Ban quản lý dự án đã yêu cầu nhà thầu tổ chức vệ sinh, bảo vệ nhà chờ, tuy nhiên lực lượng mỏng, nhà chờ dàn trải trên tuyến nên gặp nhiều khó khăn.

Đối với các nhà chờ bị xe va gây hư hỏng mái, Ban quản lý dự án đã yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu phải khắc phục để hoàn thành trước ngày 15/5.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang chỉ đạo Ban quản lý dự án cùng tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công xây dựng tập trung hoàn thành toàn bộ các hạng mục xây lắp còn lại của hệ thống nhà chờ, khắc phục các tồn tại, tổng vệ sinh trước ngày 15/5.

Tuy nhiên để tránh xuống cấp các hạng mục công trình đã hoàn thành, Ban quản lý dự án đang đề nghị thành phố cho phép bàn giao từng phần các hạng mục đã đầu tư, được nghiệm thu cho Tổng công ty vận tải Hà Nội để tiếp nhận làm cơ sở chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để đưa vào khai thác có hiệu quả khi vận hành thử tuyến BRT vào quý 3./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục