Hà Nội mạnh tay trấn áp tội phạm trong lĩnh vực thuế

Dù Nhà nước đã có nhiều điều chỉnh sửa đổi chính sách thuế nhưng thời gian qua hoạt động tội phạm vẫn diễn ra ngày càng phức tạp.
Dù Nhà nước đã có nhiều điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các chính sách về thuế nhưng thời gian qua, hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Những hành vi gian lận thuế, trốn thuế này đã gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.

Lật tẩy các thủ đoạn tinh vi

Bàn về các thủ đoạn trốn thuế của doanh nghiệp, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), Công an thành phố lo ngại, vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế đang ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng.

Riêng năm 2011, PC 46 đã điều tra xử lý 204 vụ, 215 đối tượng, thu hồi cho ngân sách Nhà nước 123,07 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.

Lật lại những trang tài liệu về hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế cho thấy, năm năm qua (2008-2012), Cục Thuế Hà Nội và Công an thành phố đã phối hợp điều tra, xử lý 2.379 vụ việc liên quan đến loại tội phạm này. Trong đó, ngành thuế đã chuyển cơ quan công an 850 vụ; cơ quan công an cũng đã chuyển ngành thuế 1.529 vụ.

Đáng lo hơn, trong 10 sắc thuế Nhà nước ban hành, thì có năm sắc thuế bị tội phạm lợi dụng nhiều nhất là thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu và thuế nhà đất.

Cũng theo phân tích của Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước qua hoàn thuế VAT đang diễn biến phức tạp nhất. Thủ đoạn mới của chúng là hình thành các công ty mẹ - con, nghĩa là, lập nhiều doanh nghiệp, mở chi nhánh ở nhiều địa phương để xuất hóa đơn VAT mua bán hàng hóa lòng vòng với nhau mà không có hàng hóa, thậm chí ghi giá trị bán thấp hơn giá đầu vào... để làm thủ tục hợp thức hóa bộ hồ sơ xin hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách.

"Riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu, còn có mánh "down" giá hàng hóa nhập khẩu - nghĩa là ghi giá trong hợp đồng thấp hơn so với giá trị thực tế- khai sai chủng loại hàng hóa, từ hàng có giá trị cao, đời mới thành hàng có giá trị thấp, đời cũ. Thậm chí, biến hàng mới 100% thành hàng đã qua sử dụng; lợi dụng các chế độ ưu đãi để nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa"- Đại tá Hùng nói.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng An ninh kinh tế (Phòng PA 81), Công an thành phố Hà Nội, cũng cho biết thêm, hành vi hạch toán lỗ và làm thủ tục giải thể sau một thời gian hoạt động, cũng như lợi dụng chính sách thuế ưu đãi đầu tư, chuyển hình thức sản xuất kinh doanh và xuất khẩu để trốn thuế, tránh thuế thông qua các hoạt động giao dịch liên kết, chuyển giá với số lượng ngày càng lớn, hành vi ngày càng phức tạp đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Đáng báo động là nạn chuyển giá, báo lỗ giả nhằm trốn thuế của các doanh nghiệp FDI.

Đến thời điểm này, Hà Nội có gần 110.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 2.000 doanh nghiệp FDI, số doanh nghiệp thành lập mới lại tăng nhanh, trung bình là 1.500 doanh nghiệp/năm, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 300. Trong số này, không ít doanh nghiệp FDI chuyên lách luật, tìm kẽ hở để vô hiệu hóa các chính sách thuế.

Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Nguyễn Văn Mơ cảnh báo, Thông tư 129/2008/TT-BTC về "Điều kiện, chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng" và Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, là nhằm hạn chế doanh nghiệp mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, là tiền đề hướng tới quản lý 100% giao dịch đều phải qua ngân hàng. Từ đó, hạn chế rủi ro về thuế, áp dụng hiệu quả trong kiểm soát tài sản của các tổ chức, cá nhân, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn "lách luật" bằng cách các bên thanh toán nếu hợp đồng ký thời hạn thanh toán ngắn khi đến thời hạn không thanh toán được thì gia hạn, lập phụ lục để đối phó với cơ quan thuế; chia nhỏ hóa đơn để giá trị hóa đơn nhỏ hơn 20 triệu đồng; thay vì một tháng nhập hàng hóa một lần và viết một hóa đơn thì nay nhập thành nhiều lần, viết nhiều hóa đơn trong tháng để có giá trị nhỏ hơn 20 triệu đồng.

Mạnh tay trấn áp

Theo đánh giá của liên ngành Thuế - Công an Hà Nội, sự phối hợp giữa hai lực lượng này đã tạo ra sức mạnh tổng hợp để trấn áp có hiệu quả hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế, đồng thời, có tác dụng tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

Tuy nhiên, việc đấu tranh với loại tội phạm này cũng đang lộ rõ nhiều bất cập. Đó là công tác nắm bắt tình hình, dự báo, nhận dạng các hành vi tội phạm mới về thuế cũng hạn chế. Một số thông tin do hai ngành đã cung cấp cho nhau lại chưa sát thực, dẫn đến lãng phí thời gian, kinh phí trong việc xác minh.

Việc đấu tranh với hành vi vi phạm đôi khi còn chưa quyết liệt, thiếu thuyết phục khiến một số vụ việc kéo dài, không xử lý được. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều khó khăn, đối tượng gian lận thuế sẽ sử dụng nhiều thủ đoạn, kỹ năng tinh xảo với công nghệ cao để thực hiện hành vi trốn thuế.

Trước bối cảnh đó, liên ngành Thuế - Công an đã họp bàn, đưa ra nhiều biện pháp đối phó loại tội phạm này. Theo đó, sẽ phối hợp chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cơ quan phát huy khả năng, chủ động trong nghiệp vụ nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trấn áp tội phạm. Trước mắt, tập trung thanh tra lĩnh vực quản lý, sử dụng hóa đơn tự in, doanh nghiệp nợ đọng thuế quy mô lớn, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, báo lỗ liên tục. Nhưng để phòng, chống hiệu quả hơn, rất cần thêm sự vào cuộc đồng bộ của Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn cho biết.

Thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết thêm, tới đây, liên ngành Thuế - Công an sẽ xây dựng quy chế để phối hợp chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, ngành Thuế cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra chống thất thu thuế, kiên quyết xử lý các trường hợp có hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm phải thiết lập hồ sơ chặt chẽ chuyển cho cơ quan điều tra. Đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, Cục Thuế Hà Nội phối hợp với cơ quan Công an đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội rút giấy phép kinh doanh./.

Anh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục