Hà Nội mạnh tay xử lý hành vi đi vệ sinh không đúng chỗ

Cùng với các giải pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm về xây dựng, buôn bán, đỗ xe… để trả lại vỉa hè cho Thủ đô, Hà Nội đang mạnh tay xử phạt cả hành vi đi vệ sinh bừa bãi và xả rác không đúng quy định.
Hà Nội mạnh tay xử lý hành vi đi vệ sinh không đúng chỗ ảnh 1Người dân trên phố Hồ Tùng Mậu chấp hành để xe theo vạch kẻ sơn tạo thông thoáng cho vỉa hè. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Cùng với các giải pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm về xây dựng, buôn bán, đỗ xe… để trả lại vỉa hè cho Thủ đô, Hà Nội đang mạnh tay xử phạt cả hành vi đi vệ sinh bừa bãi và xả rác không đúng quy định nhằm đảm bảo văn minh đô thị.

Mục đích đặt ra được dư luận hoan nghênh nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn trái chiều.

Tình trạng vứt rác, đi vệ sinh không đúng nơi quy định đang là thực tế diễn ra trên nhiều tuyến phố, công trình giao thông, xây dựng, công viên công cộng… nhưng cũng không có đơn vị nào đánh giá mức độ và thống kê cụ thể.

Mới đây, Công an phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) đã thành lập 2 tổ công tác “đặc biệt” để tuần tra xử lý hành vi xả rác và đi vệ sinh không đúng chỗ.

Chỉ trong thời gian rất ngắn từ cuối tháng 2 đến nay, lực lượng chức năng phường Dịch Vọng Hậu đã xử phạt 62 triệu đồng đối với 21 trường hợp vi phạm​.

Trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang đưa ra chiến lược trong vòng 10 năm tới thành phố sẽ xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Hà Nội hiện chỉ có 371 nhà vệ sinh công cộng cũ được xây dựng từ năm 2010 trở về trước, phục vụ cho một số ít hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh riêng và khách vãng lai.

Các nhà vệ sinh công cộng vẫn đang thiếu trầm trọng, nhất là những nơi đông người, những đường phố không được phép dừng đỗ.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã có hẳn chương trình, nghị quyết, chuyên đề, kế hoạch để “xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch” và cả phong trào “người đến Hà Nội văn minh, thanh lịch.” Đây là các tiêu chí để khách thăm quan và những người du nhập bám sát thực hiện. 

Tuy nhiên, ngoài việc tuyên truyền, vận động, xử phạt, điều cần thiết nhất là tạo điều kiện để họ dễ thực hiện. Thành phố cần nghiên cứu, đề ra khoảng cách, nhu cầu thiết yếu từng vùng đông dân cư để lắp đặt nhà vệ sinh, thùng rác hợp lý. Thậm chí người đi đường có thể tra cứu điểm đặt nhà vệ sinh công cộng qua công nghệ tìm kiếm, hay là bản đồ chỉ đường…

Bên cạnh đó, nhà vệ sinh, chỗ xả rác còn phải có không gian, được phép dừng đỗ xe nhanh. Những nơi được đầu tư hoàn chỉnh làm dịch vụ thu tiền, cần được vệ sinh, lau chùi sạch sẽ để người sử dụng không ngần ngại…

Trong khi chưa đủ nhà vệ sinh thì phương án vận động, khuyến khích hệ thống khách sạn, nhà hàng dọc các tuyến phố tham gia cho khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh và thu phí cũng là giải pháp cần xem xét.

Ghi nhận tại nhiều tuyến phố cho thấy việc lắp đặt thùng để rác, nhà vệ sinh hết sức khó khăn vì hệ thống nhà dân san sát, bám mặt phố, không có khoảng không vỉa hè.

Vinasing - đơn vị đầu tư đã lắp đặt được 64 nhà vệ sinh công cộng tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông, Long Biên và Cầu Giấy cho biết, đến hết năm 2017, đơn vị này sẽ lắp đặt khoảng 250 nhà vệ sinh công cộng nữa và đảm bảo đủ cơ số 1.000 nhà vệ sinh công cộng vào năm 2020 như đề xuất.

Tuy nhiên, khó khăn lại nhân thêm bởi dự án đang gặp phải sự phản đối của những hộ dân, cơ quan có điểm dự kiến lắp đặt nhà vệ sinh công cộng.

Hiện các điểm được khảo sát lắp đặt gồm hè phố đường Văn Cao giáp tường rào Cung thể thao Quần Ngựa; kho chứa tang vật của Công an phường Liễu Giai cũ, tức nhà 32 Văn Cao; vỉa hè Hồ Hàm Long, đối diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc; vườn hoa ven Hồ Tây, đối diện 121 Yên Hoa; vườn hoa ven Hồ Tây khu vực 322 Lạc Long Quân…​/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục