Hà Nội “ngoạn mục” vượt khó, hứng khởi bước vào 2014

Vào những ngày cuối cùng của năm 2013, Hà Nội đã "ngoạn mục" thu ngân sách vượt chỉ tiêu, qua đó, tạo khí thế cho năm 2014.
Hà Nội “ngoạn mục” vượt khó, hứng khởi bước vào 2014 ảnh 1Một góc trung tâm thành phố Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Gần cuối năm 2013, một thông tin bất ngờ mà ngay cả những người lạc quan cũng khó có thể tin rằng: “Hà Nội thu vượt ngân sách.” Dường như sự khó khăn bao trùm toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp, khiến những bản báo cáo trước khi kết thúc năm của Hà Nội chừng một tháng đều khẳng định, thu ngân sách chỉ đạt 84%.

Vì sao, trong khoảng thời gian gấp rút, Thủ đô đã thu được hàng chục ngàn tỷ đồng để cán đích?

Nhiều người vẫn đánh giá, đây là sự quyết tâm bền bỉ, cao độ và ngoạn mục vượt qua khó khăn. Hà Nội đang bước vào năm mới 2014 với đầy khí thế và hứng khởi.

Quyết tâm cao độ

Thời gian cuối năm, nhiều đoàn công tác Trung ương về Hà Nội làm việc, trong đó có Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính… đều đánh giá Hà Nội đã quyết tâm rất cao, trong bối cảnh hết sức khó khăn, với địa phương đầu tàu cả nước, có nhiều áp lực, sức nặng, nhưng Hà Nội đã “gồng mình” vượt qua.

Một vài con số minh chứng, Hà Nội đã đạt được những mục tiêu quan trọng nhất, tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,25%, cao hơn 1,53 lần so với cả nước; lạm phát thấp hơn năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự kiến khoảng 7,7%; thu ngân sách đạt trên 151.000 tỷ đồng, đạt 100,9% dự toán được giao.

Bên cạnh đó, an sinh xã hội vẫn được đảm bảo tốt, hỗ trợ 16.500 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 136.000 lao động…

Để có được những kết quả trên, Hà Nội có hàng loạt các giải pháp, biện pháp, trong đó có cả những giải pháp mạnh, ngoài tạo thông thoáng về mặt chủ trương, chính sách, thành phố đã quyết liệt đôn đốc, lấy đây là năm “cải cách thủ tục” để giúp đỡ các doanh nghiệp, thu hút đầu tư và giải quyết tồn đọng.

Có ý kiến cho rằng, Hà Nội đã tổ chức quá nhiều “diễn đàn” trong lĩnh vực tháo gỡ khó khăn kinh tế. Nhưng quan điểm của lãnh đạo Hà Nội thì đây là địa bàn đặc thù, với hơn 150.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp thành lập mới năm nay là gần 15.000 doanh nghiệp, thì việc tổ chức 10 lần gặp mặt, để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, cũng như đề xuất xuất của doanh nghiệp thì không phải là nhiều, vì số lượng doanh nghiệp cao gấp nhiều lần so với các tỉnh thành khác.

Qua các cuộc gặp mặt, cũng là lúc để đốc thúc lao động, sản xuất kinh doanh và vận động các doanh nghiệp năng động, chủ động và có nghĩa vụ hơn trong việc đóng thuế. Thành phố đã có chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế khoảng gần 18.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp những lúc khó khăn nhất.

Vào cuối năm, lần đầu tiên Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo thu nợ đọng, quyết liệt chỉ đạo đến từng đơn vị, doanh nghiệp, nên đã có nhiều đơn vị đã nỗ lực hoàn thành, điển hình như Tập đoàn Vincom đã nộp ngân sách một lần trên 4.600 tỷ đồng…

Hà Nội đã tạo điều kiện thông thoáng cấp mới và điều chỉnh 1.179 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD.

Để đảm bảo thu ngân sách, Cục thuế Hà Nội đã tung tối đa lực lượng, tiến hành 6.350 cuộc thanh tra, kiểm tra và đã truy thu, truy hoàn, xử phạt với số tiền 1.883 tỷ đồng.

Trong năm cũng đã thu nợ 8.659 tỷ đồng… Cạnh đó, Cục thuế đã đổi mới toàn diện để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và doanh nghiệp; đã duy trì và nâng cao chất lượng công tác khai thuế qua mạng Internet, với trên 87.000 doanh nghiệp tham gia.

Dồn lực cho giao thông

Trong lúc kinh tế khó khăn, nhưng giải quyết vấn đề giao thông là nhiệm vụ bất khả thi và quan trọng hàng đầu của Hà Nội. Đây cũng là một trong hai khâu đột phá trong năm, thành phố đã nỗ lực hoàn thành vượt bậc nhiều công trình giao thông trọng điểm.

Có lẽ sự cảm nhận là chính xác nhất, những ai đã từng sinh sống, hay đến thăm Thủ đô cách đây 5 năm về trước, dường như không ngần ngại dùng từ “khiếp đảm” để nói về giao thông Hà Nội. Những con đường nhỏ, hẻm nhỏ, cộng với ý thức đi lại lộn xộn, biến Hà Nội như “biển” xe cộ chật nêm.

Ấy vậy, chỉ một thời gian ngắn, hệ thống giao thông nội đô Hà Nội như khoác lên mình bộ mặt hoàn toàn mới lạ, thậm chí là đổi thay đến ngạc nhiên.

Thành phố gần hoàn thiện hệ thống các đường vành đai: Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, đây là những tuyến huyết mạch đến những địa điểm tập trung đông đảo cơ quan, dân cư.

Điển hình, đường vành đai 3 và đường cao tốc trên cao (đi trên đường vành đai 3) có thể nói là giải quyết rất lớn lưu lượng xe tải, xe con và xe khách. Vận chuyển hàng hóa, hành khách vào địa bàn Hà Nội không phải đi vào nội đô và tuyến đường này có thể đến Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, sân bay Nội Bài và là đầu nối đi các tỉnh phía Bắc…

Còn ở nội đô, thành phố chủ trương tập trung xây nhanh những cây cầu vượt nhẹ, giải tỏa ách tắc ở những nút thắt tập trung đông xe cộ, nhất là vào giờ cao điểm. Cách đây không lâu, tại những nút thắt, ở một số tuyến đường ách tắc giao thông nghiêm trọng với hàng giờ đồng hồ là chuyện thường thấy. Còn nay, khi có sự cố xảy ra cũng chỉ ách tắc vài chục phút; tỷ lệ tắc đường giảm một nửa. Trong khi đó, mật độ dân số tập trung vào đô thị ngày càng gia tăng.

Có thể kể một số cầu vượt đóng vai trò lớn trong việc giảm ùn tắc, đỡ gây phiền hà, tốn kém tiền của, thời gian cho nhân dân như các cầu vượt Láng Hạ-Lê Văn Lương; ngã tư Sở; cầu vượt Giải phóng; Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt; Nguyễn Chí Thanh-Liễu Giai…

Khó khăn không nhỏ

Với những gì đạt được, tại các cuộc tổng kết cuối năm, lãnh đạo Hà Nội đã biểu dương các ban, ngành, địa phương không quản vất vả vượt khó.

Tuy nhiên, đằng sau đó còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập. Hà Nội vẫn có một số chỉ tiêu kinh tế không đạt, cân đối ngân sách khó khăn, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu.

Sản xuất kinh doanh khó khăn, kéo theo tỷ lệ nợ xấu cao, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Công nghiệp tăng trưởng chậm, thị trường bất động sản chuyển biến, song tồn kho còn cao, trong khi nhu cầu của một bộ phận nhân dân vẫn chưa được đáp ứng.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện 2 khâu đột phá chiến lược còn chậm, cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có sự chuyển biến đột phá, việc thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa triệt để. Hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chậm được khắc phục, nhất là trên địa bàn các huyện và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp.

Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố Hà Nội, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó khách quan là do tác động chung của nền kinh tế và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.

Nguyên nhân chủ quan là do công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, địa phương chưa thực sự quyết liệt, trì trệ, thiếu năng động, sáng tạo và sự phối kết hợp giữa các đơn vị chưa chủ động, thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Công tác dự báo, cảnh báo chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý công việc mang tính tức thời. Về phía doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh còn yếu, khả năng về tài chính, quản lý điều hành quản trị, dự báo thị trường, chiến lược đầu tư còn nhiều hạn chế.

5 nhiệm vụ trọng tâm 2014

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh trong năm 2014 đồng thời tổng kết rút kinh nghiệm của năm trước, Hà Nội đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đã triển khai giao nhiệm vụ cho các đơn vị địa phương.

Theo đó, Hà Nội ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng cao và bền vững hơn; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, thị trường, hỗ trợ lãi suất đầu tư, lãi suất vay vốn đối với sản xuất các mặt hàng chủ lực, hàng thay thế nhập khẩu đồng thời thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.

Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi trốn thuế, chống thất thu. Đặc biệt, nợ đọng xây dựng cơ bản cần được giải quyết tích cực, ngừng và không cho phép những dự án, công trình kém hiệu quả, không khả thi và dàn trải. Việc xử lý nợ nguyên tắc cấp nào bố trí trả nợ cấp đó, không lấy ngân sách của thành phố trả nợ xây dựng cơ bản và không để phát sinh nợ mới.

Thành phố quan tâm chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, lao động, việc làm đồng thời Hà Nội tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường. Nhất là rà soát, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích nhưng chậm triển khai, để hoang hóa.

Năm 2014, Hà Nội lấy làm năm “Trật tự và văn minh đô thị.” Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và siết chặt mạnh kỷ cương hành chính./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục