Lối nào cho Hà Nội thoát khỏi ‘ma trận thầu' xử lý rác thải tập trung?

Hà Nội nguy cơ thất thủ vì rác: Bài 5-Lối thoát khỏi 'ma trận thầu'

Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp và người dân Hà Nội đang mong mỏi thành phố có biện pháp điều chỉnh cấp bách, để “cởi trói” những khó khăn trong công tác “làm sạch thành phố”
Hà Nội nguy cơ thất thủ vì rác: Bài 5-Lối thoát khỏi 'ma trận thầu' ảnh 1Rác thải tràn ra đường tại khu vực đô thị mới Kim Văn Kim Lũ, quận Hoàng Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Rác thải từ lâu luôn là mối đe dọa khẩn cấp và tiềm tàng với Hà Nội. Một đô thị lớn với tốc độ phát triển chóng mặt, dân cư đông, vấn đề vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải càng trở nên nan giải và bất cập, nhất là từ khi Hà Nội triển khai chủ trương đấu thầu tập trung, với các tiêu chí bài thầu gây nhiều tranh cãi.

Không chỉ khâu xử lý rác còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mà ngay từ công tác thu gom, vận chuyển rác thải cũng đang khiến các cấp chính quyền “đau đầu,” doanh nghiệp “chịu trận,” và người dân lo lắng, nhất là mỗi khi bãi rác Nam Sơn “hắt xì” là cả Hà Nội lại “sổ mũi” vì ngập ngụa rác thải và ô nhiễm bủa vây.

Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp vệ sinh môi trường và người dân Hà Nội đang mong mỏi thành phố có biện pháp điều chỉnh cấp bách, để “cởi trói” những khó khăn trong công tác “làm sạch thành phố” bằng cơ chế “mở cửa” chính sách...

Không còn đường lùi?

Phát biểu tại lễ phát động ra quân toàn quốc “phong trào chống rác thải nhựa” diễn ra vào ngày 9/6, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, khẳng định cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và tốc độ đô thị hóa cao, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với những tác động không nhỏ do ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

Theo đó, ông Chung cho biết, mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh từ 5.500-6.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó, rác thải nhựa chiếm đến 8-10%. Với đặc tính bền, khó phân hủy, các sản phẩm nhựa và túi nilon đã và đang là một thách thức đối với môi trường, gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Video Hà Nội: Nguy cơ "Thất thủ" vì rác thải:

Trước đó, cuối năm 2018, khi làm việc với Sở Xây dựng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đã tỏ ra vô cùng sốt ruột với các dự án xử lý rác chậm tiến độ ở trên địa bàn, đồng thời nhấn mạnh thành phố “không còn đường lùi.”

Mới đây, báo cáo giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội công bố cuối tháng 6/2019, cũng cho thấy, tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây khoảng 3.500 tấn/ngày; 17 huyện ngoại thành Hà Nội khoảng 3.000 tấn/ngày, cơ bản được vận chuyển để xử lý.

Tuy nhiên, rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay vẫn chủ yếu đem chôn lấp đến 89%, hầu như chưa hề có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao, và đây chính là nguồn cơn của nỗi nhức đầu vì rác.

["Ma trận đấu thầu tập trung": Nguy cơ "thất thủ" vì rác thải ở Hà Nội]

Đáng lo là, trong số 6.500 tấn rác Hà Nội thải ra mỗi ngày, thì Khu liên hợp xử lý chất thải-bãi rác lớn nhất thành phố đã phải “hứng” tới 4.500-4.700 tấn, nên chỉ cần bãi rác này “hắt xì” là cả Hà Nội  lại “sổ mũi.” 

Hà Nội nguy cơ thất thủ vì rác: Bài 5-Lối thoát khỏi 'ma trận thầu' ảnh 2Người dân Thanh Trì khốn khổ vì rác thải tràn ra đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điều này thấy rõ qua ghi nhận của phóng viên vào liên tiếp trong những ngày bãi rác Nam Sơn bị “phong tỏa,” nhất là ngày 5/7, sau gần 1 tuần ùn ứ rác thải, người dân nhiều khu vực của Hà Nội đã khốn khổ vì rác bủa vây và mùi ô nhiễm.

Cần giải pháp điều chỉnh cấp bách

Từ những bất cập trong công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác, Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố sớm giải quyết đề nghị của các quận, huyện về giá trị bổ sung kinh phí duy trì vệ sinh môi trường do phát sinh tăng khối lượng thu gom, vận chuyển rác thải so với hồ sơ mời thầu (giai đoạn 3 năm 10 tháng) đã được liên sở báo cáo.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố cần chỉ đạo các Sở Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư; Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, đơn vị cung ứng dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày đạt 100% ở mọi khu vực.

[Bài 4: "Ma trận" thầu xử lý rác thải tập trung, trách nhiệm của ai?]

Trên cơ sở đó, Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng cần tăng giám sát nhà thầu; kịp xử lý, kiến nghị thành phố xử lý nghiêm đơn vị không đáp ứng đủ yêu cầu gói thầu, hay vi phạm.

Trong điều kiện rác thải phát sinh ngày càng nhiều, phần lớn các huyện cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố sớm cho phép bổ sung khối lượng thu gom rác ngõ xóm theo khối lượng thực hiện thực tế còn thiếu trong gói thầu, để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải được triển khai đồng bộ.

Điển hình như huyện Phú Xuyên kiến nghị điều chỉnh số km vệ sinh ngõ xóm từ 235km trong gói thầu lên 536km theo nhu cầu thực tế. Đồng thời tăng khối lượng vận chuyển rác từ địa bàn huyện về khu xử lý tập trung của thành phố từ 85 tấn/ngày lên 95 tấn/ngày, đảm bảo hết lượng rác thu gom trong ngày.

Hà Nội nguy cơ thất thủ vì rác: Bài 5-Lối thoát khỏi 'ma trận thầu' ảnh 3Rác thải chình ình giữa đường tại khu vực quận Hoàng Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Huyện Thường Tín cũng đề nghị thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội có kế hoạch tiếp nhận rác tồn, nâng chỉ tiêu phân luồng xử lý rác của huyện lên 180 tấn/ngày.

Tương tự, huyện Chương Mỹ kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội điều chỉnh lượng rác phân luồng của huyện về khu xử lý từ 145 tấn/ngày lên 163 tấn/ngày, để đảm bảo rác thải không bị tồn đọng nhiều tại các điểm tập kết.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố sớm ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá còn thiếu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường để làm căn cứ thực hiện. Xem xét điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

[Bài 3: Chủ trương "làm sạch thành phố" bên bờ... phá sản]

Về phía doanh nghiệp, trước mắt để sớm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong việc triển khai thu gom rác hàng ngày, thì cần thiết Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép áp dụng tạm thời mức thu giá dịch vụ từ 3.000/người lên 10.000 đồng/người/tháng, giúp đảm bảo nguồn cân đối thanh toán cho khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm.

Trên cơ sở đó, Thanh tra thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố rà soát lại nội dung Thỏa thuận khung, Hợp đồng kinh tế của các gói thầu, nhất là những tồn tại của bài thầu, đảm bảo việc điều chỉnh giá, điều chỉnh khối lượng của hợp đồng, cũng như việc thanh quyết toán các khối lượng vệ sinh môi trường phát sinh bổ sung phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu../.

Hà Nội nguy cơ thất thủ vì rác: Bài 5-Lối thoát khỏi 'ma trận thầu' ảnh 4Chủ trương 'làm sạch thành phố' bên bờ... phá sản, nếu không điều chỉnh, Hà Nội gập rác!. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục