Hà Nội nhọc nhằn tìm đầu ra cho các sản phẩm mây tre đan

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống mây tre đan.
Hà Nội nhọc nhằn tìm đầu ra cho các sản phẩm mây tre đan ảnh 1Sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu tại Công ty Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Khánh, xã Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống mây tre đan.

Mây tre đan là nghề thủ công truyền thông lâu đời và phát triển nhất ở Hà Nội, được biết đến như một nghề thứ hai sau canh tác ngoài đồng ruộng ở nhiều vùng nông thôn.

Nghề này vừa có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, vừa có lực lượng lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Các sản phẩm mây tre đan của Hà Nội không những được ưa dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước khác trên thế giới.

​Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển của các làng nghề mây tre đan hiện nay ở vùng nông thôn chưa được quan tâm, đầu tư và hỗ trợ thỏa đáng nên có những làng nghề không phát triển được và có nguy cơ mất nghề.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, sự tồn tại và phát triển của các làng nghề mây tre đan ở vùng nông thôn chưa được quan tâm, đầu tư và hỗ trợ thỏa đáng. Chính vì vậy, khu vực này vẫn đang phát triển một cách tự phát và dựa chủ yếu vào sự năng động, khả năng đầu tư của nhân dân nên có những làng nghề rất năng động và phát triển tốt, có những làng nghề không phát triển được và có nguy cơ mất nghề. Đây là một ngành nghề ở nông thôn cần được nghiên cứu bảo tồn và hỗ trợ để phát triển bền vững.

Nguyên nhân dẫn đến một số làng nghề không phát triển, thậm chí là mất nghề là do thiếu sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất để tạo thành sức mạnh về cung ứng sản phẩm và lao động. Với một đội ngũ sản xuất đông đảo người lao động, hộ sản xuất, doanh nghiệp tham gia vào ngành nghề mây tre đan, nhưng trong các làng nghề không có sự liên kết thành một tổ chức nào nhằm bảo vệ quyền lợi của họ (kiểu như tổ chức Hiệp hội), mà rơi vào tình trạng “mạnh ai người đó làm,” không tạo được sức mạnh về cung ứng hàng hóa và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, do không liên kết được nên còn thiếu kiến thức về thị trường để có thể chủ động hơn, nhằm đưa ra các ý tưởng về thiết kế sản phẩm có tính chất sáng tạo. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của mặt hàng mây tre đan ở Việt Nam chủ yếu là thị trường xuất khẩu nhưng cả người sản xuất, các hộ thu gom lớn, doanh nghiệp hay công ty ở địa phương cũng hạn chế về kiến thức thị trường, marketing, thị hiếu của khách hàng. Sự kém hiểu biết về thị trường dẫn đến không chủ động trong sản xuất kinh doanh và không có các ý tưởng sáng tạo ra các mẫu mã sản phẩm.

Phó Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản cho rằng để nâng cao giá trị của sản phẩm mây tre đan, trong giai đoạn tới, các các quan chức năng cần xem xét, công nhận danh hiệu và có chế độ khen thưởng, thù lao, đãi ngộ cho những nghệ nhân, thợ có tay nghề cao, có nhiều đóng góp vào việc đào tạo nghề, nâng cao giá trị cho sản phẩm mây tre đan.

Nhà nước cùng doanh nghiệp tăng cường đầu tư về vốn, về khoa học, công nghệ và xúc tiến thương mại để nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm đồng thời quan tâm nhiều hơn nữa về chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội, thuế, trợ cấp... để tăng thu nhập cho người lao động làm nghề mây tre đan có như vậy mới giữ được người lao động, đặc biệt là lao động trẻ gắn bó với nghề và giữ gìn, phát triển nghề mây tre đan.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thủ đô Hà Nội hiện là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống. Các làng nghề thu hút hàng vạn lao động thời vụ cũng như tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn gia đình.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thu nhập bình quân của mỗi lao động ở các làng nghề được công nhận phổ biến ở mức 30-35 triệu đồng/năm. Đặc biệt, một số làng nghề thuộc các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Thanh Trì, Đan Phượng, Hà Đông... đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Năm 2014, giá trị sản xuất của làng nghề đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Đặc điểm của sản phẩm mây tre đan ở Hà Nội cũng khá đa dạng và chủ yếu làm từ cây mây trắng, có độ dẻo, bền và tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra, Hà Nội còn có một số sản phẩm được làm từ tre, nứa, song, giang, vầu, trúc...

Các sản phẩm tre hun khói có nét đặt biệt với bí quyết hun khói hoàn toàn sử dụng chất liệu tự nhiên để tạo nên độ bền, làm tăng độ bóng, tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm. Một số sản phẩm đan, bện khác được làm từ loại cỏ rừng (gọi là cỏ tế hay guột) có màu nguyên thủy của cỏ tế là màu đỏ nên nguyên liệu không cần ngâm tẩy hóa chất, chỉ cần một nước dầu bóng là sản phẩm đã đẹp rực rỡ, tươi tắn và bền màu...

Nhiều làng nghề mây tre đan truyền thống của Hà Nội như Phú Nghĩa, Ninh Sở hay Phú Túc... đã làm rạng danh nghề đan lát Việt Nam trên thị trường thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục