Hà Nội phân làn quy mô lớn: Khó khăn phía trước

Từ ngày 1/1/2010, Hà Nội sẽ tổ chức đợt phân làn quy mô lớn nhất từ trước tới nay, trên gần 20 tuyến đường với tổng chiều dài lên tới khoảng 100km.

Tuy nhiên, để cách làm này không trở thành giải pháp tình thế trong bối cảnh giao thông đang rối như tơ vò, các cơ quan liên quan còn nhiều việc phải làm.
Từ 6 đến 22 giờ hàng ngày kể từ ngày 1/1/2010, gần 20 tuyến đường Hà Nội sẽ được phân ra các làn dành riêng cho ôtô, xe máy, xe thô sơ, nhằm giúp các phương tiện lưu thông dễ dàng và không lấn đường của nhau, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.

Chuẩn bị cho việc phân làn đại quy mô này, Hà Nội đang triển khai thử phân làn trên một số tuyến đường. Tuy nhiên, để cách làm này không trở thành giải pháp tình thế trong bối cảnh giao thông đang rối như tơ vò, các cơ quan liên quan còn nhiều việc phải làm.

Không dễ!


Nhằm giảm tình trạng ùn tắc và lập lại trật tự giao thông, liên ngành giao thông vận tải và Công an thành phố Hà Nội vừa trình thành phố kế hoạch phân làn giao thông quy mô lớn trên nhiều tuyến phố.

Cùng với việc phân làn, liên ngành sẽ tiến hành trải lại mặt đường, sơn kẻ vạch, chữ và hình vẽ từng loại phương tiện trên các mặt đường kết hợp lắp đặt biển báo giao thông để hướng dẫn người điều khiển phương tiện tách làn và chuyển làn…

Theo đó, 7 tuyến đường dự kiến thử phân làn, tổ chức lại giao thông gồm Bắc Thăng Long-Nội Bài-Phạm Văn Đồng-Phạm Hùng; Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh-Liễu Giai (đến Đội Cấn); Kim Mã (đoạn Voi Phục-bến xe Kim Mã); Giải Phóng-Lê Duẩn (đoạn Pháp Vân-Cửa Nam); Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt; phố Huế-Hàng Bài-xung quanh Bờ Hồ-Bà Triệu; Trần Phú (Hà Đông)-Nguyễn Trãi-Tây Sơn (đoạn từ cầu Hà Đông đến ngã tư Chùa Bộc-Thái Hà).

Việc lựa chọn các tuyến dự kiến phân làn lần này bảo đảm các tiêu chí như mặt cắt đường đủ rộng, khoảng cách các nút giao tương đối hợp lý, độ dài tuyến bảo đảm để lái xe tạo thói quen.

Đây là đợt tổ chức phân làn quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Hà Nội với tổng chiều dài các tuyến đường lên tới khoảng 100km.  Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia nghiên cứu về giao thông thủ đô, việc phân làn quy mô lớn sẽ gặp không ít khó khăn.

Sau một thời gian tổ chức lại giao thông, “bịt” các ngã ba, ngã tư xung đột giao thông trực tiếp, Hà Nội đã giảm hơn 60 điểm ùn tắc, nhưng không phải tuyến phố nào cũng có thể làm được như vậy, vì còn phụ thuộc vào mặt cắt của tuyến đường, lưu lượng và đối tượng tham gia giao thông. Nếu tổ chức không hợp lý sẽ gây phát sinh các điểm ùn tắc mới.

Phó giáo sư-tiến sĩ Bùi Xuân Cậy, Trưởng khoa Công trình, Trưởng Bộ môn Đường bộ (Đại học giao thông vận tải Hà Nội) cho biết việc phân làn theo diện rộng lần này xuất phát từ tinh thần kiên quyết nhằm giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội. Tuy nhiên, khả năng thành công không cao, do hạ tầng giao thông của Hà Nội rất hạn chế.

Thực tế, đường phân làn quá chật, trong khi dòng giao thông hỗn hợp nhiều phương tiện, với lượng xe máy chiếm tỷ lệ lớn, nên các tuyến đường định phân làn đều trong tình trạng quá tải. Đặc biệt, trên các tuyến đường nội đô, khoảng cách giữa các nút giao trên tuyến quá ngắn, chưa đầy 200m, các đường phụ thì dưới 100m, trong khi các chỉ số này, tối thiểu cũng cần phải ở mức gấp đôi.

Điển hình là tuyến Đại Cồ Việt, khi ôtô rẽ làn đường sẽ cản, chặn dòng phương tiện khác, lúc đó người ta không muốn vi phạm cũng dễ bị đẩy đến vi phạm. Còn tuyến Kim Mã có tần suất xe buýt hoạt động nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng phương tiện khác…

Vẫn phải làm!

Tại phiên chất vấn Hội đồng nhân dân thành phố mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Khôi thừa nhận, nếu 5 năm tới không có giải pháp triệt để, tình trạng ùn tắc sẽ không thể nào tháo gỡ. Do đó, các giải pháp tình thế đề xuất từ các cơ quan hữu quan đều cần phải triển khai, nhằm tìm ra giải pháp tối ưu, phù hợp và nhân rộng.

Chủ trương của thành phố trong thời gian tới cũng nhất quán là ở trung tâm không tiếp tục xây nhà cao tầng, các dự án tháo gỡ ùn tắc giao thông đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình đồng thời tập trung nguồn lực chuẩn bị cho các dự án đường sắt trên cao, giao thông công cộng trong quý II/2010. Cùng với những chủ trương lâu dài nhằm cải thiện giao thông cho Thủ đô, việc phân làn đường quy mô lớn sẽ làm tập trung trên 7 tuyến đường nêu trên.

Cụ thể, ở đường Đại Cồ Việt, mỗi chiều đường sẽ được chia làm ba làn, tuyến Thái Thịnh-Chùa Bộc, mỗi chiều đường chia làm hai làn... Cách chia làn đường này cũng được áp dụng tương tự với các tuyến đường còn lại và tùy vào chiều rộng, dài của mỗi tuyến đường sẽ chia hai hay ba làn đường khác nhau.

Thời gian đầu, để tạo thói quen đi đúng làn đường cho người dân, ngoài kẻ vạch sơn, cắm các cột biển báo mềm để phân ranh giới mỗi làn đường, tại đầu các nút giao thông sẽ có lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông duy trì trật tự và giám sát việc lưu thông của các phương tiện.

Theo chỉ đạo, thành phố sẽ huy động lực lượng lớn cảnh sát giao thông, công an phường, thanh tra giao thông, lực lượng tự quản... kiên quyết lập lại trật tự trên các tuyến phân làn. Cùng với kế hoạch phân làn, Sở giao thông vận tải cũng đã trình thành phố phương án tổ chức 6 tuyến buýt nhanh, gồm: Số 8 (Long Biên-Đông Mỹ), 32 (Giáp Bát-Nhổn), 16 (bến xe Giáp Bát-bến xe Mỹ Đình), 54 (Long Biên-Bắc Ninh), 32 (bến xe Giáp Bát-Nhổn), 2 (Bác Cổ-bến xe Yên Nghĩa), đảm bảo các tuyến buýt chạy thẳng từ điểm đầu đến điểm cuối, giảm điểm dừng đỗ, chạy tránh các điểm ùn tắc.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến nay, thành phố đã từng ba lần thực hiện việc phân làn giao thông, lần thứ nhất tổ chức trên tuyến đường Kim Mã, lần thứ hai trên đường Chùa Bộc-Thái Thịnh và mới đây là trên đường Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân. Tuy nhiên, những lần phân làn đường này đều không thu được kết quả như mong đợi./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục