Hà Nội phạt nặng các hành vi đổ xả rác bừa bãi

Trong Quy định quản lý rác thải sinh hoạt sắp ban hành, Hà Nội sẽ phạt từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi đổ rác thải bừa bãi.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 3/11 cho biết, trong tháng 11 này thành phố sẽ ban hành Quy định quản lý rác thải sinh hoạt, trong đó hành vi đổ rác thải bừa bãi có thể sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Đây được xem là động thái tích cực để giảm nạn vứt rác bừa bãi ở lòng đường, hè phố, nhất là khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã cận kề. Cùng với động thái trên, ngày 3/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các tổ chức đoàn thể ký kết phối hợp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng”. Khẩu hiệu của chương trình này đưa ra là: “Chống biến đổi khí hậu bằng việc vứt, đổ rác đúng nơi quy định” và “Vứt, đổ rác đúng nơi quy định là có văn hóa”… Với sự phối hợp này, các đoàn thể sẽ chỉ đạo thường xuyên các đơn vị thành viên tuyên truyền sâu rộng, nêu gương điển hình và xử lý nghiêm khắc những ai vi phạm... Ngoài ra, các đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi. “Cuộc vận động thành công hay không phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân tham gia thực hiện tốt vào cuộc vận động này thành phố sẽ xanh sạch đẹp hơn,” ông Khôi nhấn mạnh./.
Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn do dân cư đông và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh.

Chất thải rắn của Hà Nội, sau khi thu gom hầu hết được xử lý, tái chế, tiêu hủy, và chôn lấp tại các bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Xuân Sơn (Sơn Tây), Núi Thoong (Chương Mỹ) và nhà máy xử lý rác Cầu Diễn, Seraphin Sơn Tây.

Có một thực tế là chôn lấp rác thải trở nên kém hiệu quả khi diện tích đất bị chiếm và ô nhiễm môi trường ngày càng cao. Hơn nữa, trong số 5 khu xử lý rác tập trung của Hà Nội thì đã có 3 bãi rác sắp đầy. Và, việc tìm địa điểm để làm bãi chôn lấp luôn gặp khó khăn.

Theo ngành môi trường của Hà Nội, hiện có nhiều công nghệ xử lý rác đang được xem xét áp dụng. Trong đó, phương pháp BOT đang được cho là khả thi nhất khi ít tốn kém về kinh tế, không tốn đất làm bãi chôn lấp… Nếu được phê duyệt, một nhà máy xử lý rác sinh hoạt theo công nghệ ép và xuất khẩu sẽ được xây dựng (theo đề xuất của Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC).

Theo đó, AIC sẽ tiếp nhận rác thải sinh hoạt, sau đó phân loại rác bằng dây chuyền tự động và bán tự động rồi dùng công nghệ lên men để sản xuất mùn hữu cơ (compost). Cuối cùng, công nghệ ép gọn và đóng gói sẽ làm giảm 80-90% thể tích rác rồi xuất theo nhu cầu của thị trường.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục