Hà Nội: Qui hoạch thoát lũ mới chỉ cục bộ

Bên lề kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu quận Thanh Xuân Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc đã trao đổi với phóng viên báo chí một số vấn đề về thoát nước của Hà Nội.

Bên lề kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu quận Thanh Xuân Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc đã trao đổi với phóng viên báo chí một số vấn đề về thoát nước của Hà Nội.
 
Ông Hanh cho biết, để quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước, Hà Nội phải giải quyết 2 vấn đề mang tính chiến lược: Thứ nhất là về nền, phải xác định cốt nền chuẩn; cốt nền cao nhất hiện nay của Hà Nội là từ 9 đến 11m, trung bình từ 7 đến 8m. Chọn cốt nền chuẩn phải bình đẳng và công bằng cho tất cả các vùng từ đô thị mới đến các vùng đô thị cũ. Cốt nền hiện nay phải được đảm bảo, không nên mở rộng và phát triển nhiều đô thị vào nội đồng vì sẽ bị lấp đất và mất vùng chia lũ.

Thứ 2 là hệ thống cống, cống phải to, đủ rộng và thoát nước như những dòng sông ngầm. Bên cạnh đó, khơi thông các sông Tô Lịch, sông Tích, sông Đáy... để nhận lũ; kết hợp giữ và bảo tồn các hồ điều hòa. Đặc biệt trong thời gian tới, phải tiến hành củng cố các trạm bơm và khi cần thiết phải quy hoạch vùng xả lũ để cứu lấy Thủ đô khi tình huống cấp bách xảy ra.
 
 * Vậy theo ông hiện nay, Hà nội đã có quy hoạch thoát lũ, xả lũ như thế chưa?
 
Quy hoạch thoát lũ mang tính chuyên ngành toàn vùng Thủ đô mở rộng chưa có nhưng về cục bộ thì đã có rồi.
 
 * Nhiều ý kiến cho rằng, hạ tầng của Hà Nội rất yếu. Vậy theo ông, đến năm 2010 Hà Nội có giải quyết được một cách cơ bản tình trạng úng ngập như trong trận mưa lịch sử vừa qua không?

 
Đương nhiên là dự án Jaica I chỉ chịu được lượng mưa 100mm thôi và nếu cả dự án Jaica II thì cũng chỉ có khả năng tăng lên được 200mm. Nếu xảy ra một lần nữa như trận mưa lịch sử vừa qua thì vẫn khó có thể giải quyết được. Nhưng như tôi nói, không nên chờ làm một cách bài bản mà phải làm dần từng việc một và phải làm ngay những việc cần phải làm trước.
 
 * Thưa ông, đất đai của Hà Nội hiện nay đang bị lấy đi rất nhiều. Dường như là sự phát triển và tăng trưởng đang để lại những hậu quả cụ thể là hệ thống dòng sông, hồ điều hòa bị mất dần. Theo ông đó có phải là một sự mâu thuẫn không?

 
Điều này hết sức mâu thuẫn. Do đó cần phải có bản đồ đánh giá tổng hợp về đất đai để lựa chọn quỹ đất phát triển phù hợp với sức chứa của Hà Nội trong tương lai vừa để giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt vừa để bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi sinh và môi trường.
 
 * Theo ông, việc cống hóa sông Tô Lịch như đã làm ở phố Nguyễn Khánh Toàn có phải là một sai lầm không?
 
Việc lấp sông để bê tông hóa tôi cho rằng chỉ giải quyết được một phần. Trong lịch sử đã có những quốc gia đã làm rồi nhưng sau đó lại phải đào ra. Ví dụ như Hàn Quốc đã cống hoá một số con sông rồi bây giờ người ta lại phải đào ra. Ngoài vấn đề quỹ đất thì ở đây còn có câu chuyện về giá trị cảnh quan. Hơn nữa đây là vùng trũng mang tính cân bằng sinh thái, do đó cần hết sức thận trọng trong việc thay đổi đối với các dòng sông, nhất là khi lấp kín nó đi chỉ để giải quyết vấn đề thoát nước thuần tuý.
 
 * Hiện nay có ý kiến cho rằng quy hoạch của Hà Tây cũ khá lộn xộn; thậm chí cả một vùng đô thị cũng không có một cốt nền. Vậy theo ông Hà Nội cần thực hiện những biện pháp gì để khắc phục hạn chế đó?

 
Đó là một vấn đề cực kỳ nguy hiểm. Nhất là bây giờ khi xây dựng thành phố lớn của cả Hà Nội trên cơ sở các quận nội thành hiện nay và có mở rộng thì sự cần thiết là phải rà soát toàn bộ các dự án đang có trên cơ sở xác định chức năng, nhiệm vụ sức chứa, đặc biệt là các vấn đề các thông số về kỹ thuật kết cấu hạ tầng để bảo đảm cái sự thống nhất trong việc thực hiện quy hoạch thời gian tới.
 
 * Như vậy rõ ràng trong thời gian vừa qua chúng ta đã không kiểm tra và kiểm soát được việc bảo đảm cốt nền, kể cả xây dựng dân cư lẫn các khu đô thị. Ông đánh giá việc đó như thế nào?
 
Đó là một bài học. Đây cũng là một trong những tồn tại chúng ta cần nhanh chóng rút kinh nghiệm để sửa chữa. Thà muộn còn hơn không bao giờ có, chúng ta phải làm ngay.
 
Xin cám ơn ông.
 
Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục