Hà Nội rà soát, chặt hạ cây xanh dễ gãy đổ trong bão số 1

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn ứng phó với mọi diễn biến bất lợi của cơn bão số 1 có thể gây ảnh hưởng đến Hà Nội.
Hà Nội rà soát, chặt hạ cây xanh dễ gãy đổ trong bão số 1 ảnh 1 Công ty thoát nước Hà Nội cắm biển cảnh báo điểm nguy hiểm trên tuyến đường bị ngập lụt. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Ngày 24/6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn ứng phó với mọi diễn biến bất lợi của cơn bão số 1 có thể gây ảnh hưởng đến Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1, rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công), chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm bốn tại chỗ, chủ động chỉ đạo đối phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa bão, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã theo dõi thường xuyên tình hình mưa, bão, úng ngập, tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, hồ, đập, các công trình thủy lợi, chủ động triển khai phương án phát hiện, xử lý kịp thời những hư hỏng đảm bảo an toàn công trình; triển khai các biện pháp tiêu úng bảo vệ lúa mới cấy và rau màu. Bên cạnh đó, chủ động tổ chức sơ tán dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân ở những vùng ven sông, vùng trũng thấp có khả năng úng ngập, vùng có nguy cơ sạt lở đất, các khu vực nhà xuống cấp, nguy hiểm không đảm bảo an toàn; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, cây, con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi mưa, bão, úng ngập xảy ra.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan, các công ty thủy lợi, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thoát nước Hà Nội thực hiện triệt để các giải pháp bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng trên địa bàn, đặc biệt là các vị trí úng ngập cục bộ.

Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thoát nước Hà Nội tập trung kiểm tra, rà soát các công trình chống úng ngập, giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy; triển khai các biện pháp tăng cường tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; có giải pháp xử lý cụ thể đối với từng điểm thường xuyên úng ngập cục bộ.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh khẩn trương rà soát, kiểm tra cắt tỉa cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gãy mất an toàn; tổ chức lực lượng kịp thời giải tỏa cây đổ khi mưa bão, không để xảy ra ùn tắc giao thông; kiểm tra các công trình xây dựng cao tầng và các công trình đang xây dựng khác trên địa bàn, chằng chống cần cẩu, cầu trục để đảm bảo an toàn khi mưa, bão xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa, công trình thủy lợi; triển khai phương án phòng, chống úng ngập; chỉ đạo các công ty thủy lợi chủ động, sẵn sàng vận hành công trình tiêu úng trên địa bàn phụ trách và tiêu hỗ trợ cho khu vực nội thành.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an thành phố chủ động triển khai phương án phân luồng, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị tại các điểm xung yếu, có khả năng úng ngập cục bộ; kịp thời xử lý, ứng cứu không để xảy ra ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thường xuyên nắm chắc tình hình, chuẩn bị các lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Sở Công Thương bám sát tình hình, chỉ đạo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, các hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất, ổn định thị trường.

Sở Y tế chủ động triển khai phương án bảo vệ cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân; tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân do mưa bão gây ra; chuẩn bị đầy đủ thuốc men phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, úng và khắc phục hậu quả.

Các công ty thủy lợi tổ chức kiểm tra, rà soát các hồ chứa, triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập; chủ động tiêu kiệt nước đệm, vận hành các trạm bơm tiêu, các cống tiêu tự chảy đảm bảo hiệu quả tiêu úng.

Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, ưu tiên cấp đủ điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng ngập.

Các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và đơn vị có liên quan tổ chức thường trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên cập nhật thông tin và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo kịp thời, chính xác về Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố.

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, úng ngập, thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin, diễn biến xảy ra khi có bão; báo cáo kịp thời về Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố đề tập trung chỉ đạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục