Hà Nội: Rộn ràng mùa thu hoạch trái cây đặc sản

Mùa đông đến cũng thời điểm những người nông dân ngoại thành Hà Nội chuẩn bị đón mùa thu hoạch những trái cây đặc sản của Thủ đô.
Khi cái nắng hanh vàng cùng với tiết trời giá lạnh của mùa đông đã tràn ngập khắp các ngả đường cũng là thời điểm những người nông dân ngoại thành Thủ đô đang khẩn trương chuẩn bị đón mùa thu hoạch những trái cây đặc sản của đất ngàn năm văn vật.

Hương vị ngọt lành

Chúng tôi về Vân Canh, huyện Hoài Đức - nơi có loại cam đường Canh ngon nổi tiếng từ hàng trăm năm nay vào một sáng mùa đông. Sắc nắng hanh vàng, rực rỡ nhảy nhót trong những vườn cam như càng làm cho những trái cam sắp vào vụ thu hoạch thêm tươi tắn, rực rỡ sắc màu.

Không để khách chờ đợi lâu, anh Trần Văn Vượng, Thường tực Đảng ủy xã Vân Canh cho biết, hiện nay, cam Canh trồng tại Canh dẫu đã là “của hiếm” vì chỉ còn lại non nghìn gốc ở toàn xã song người trồng cam ở đây mỗi khi thấy gió heo may thổi về là biết trái cam đã vào giai đoạn phát mã, tăng ngọt, chuẩn bị thu hoạch được rồi.

Được coi là nơi ra đời của loại cam đường Canh, xã Vân Canh giờ đây đang trong giai đoạn đo thị hóa mạnh mẽ nhưng vẫn may mắn còn giữ được một số vườn cam Canh quý cho màu đỏ ối, có vị ngọt vừa thanh vừa đậm đà, thơm mát.

Hàng năm cứ độ từ trung tuần tháng 10 âm lịch cho đến tận tháng chạp, cam Canh sẽ chín dần chuyển từ màu xanh sang màu vàng rồi đỏ ối khắp vườn. Tùy theo độ tuổi, mỗi cây có thể cho từ 100 đến 1.000 quả mỗi vụ.

Cây cam Canh có chiều cao trung bình chỉ từ 3 đến 6m, lá tròn xanh thẫm, cho quả ngọt, màu sắc đỏ đẹp rực rỡ vào thời điểm cuối năm. Nhưng chăm bón thế nào để cây cho quả đều, đẹp, căng tròn, vị ngọt đậm, thanh và đúng cả thời điểm là ”bí quyết" riêng của mỗi người trồng cam.

Đặc biệt, mấy năm gần đây, khi người dân Thủ đô không chỉ muốn thưởng thức vị ngọt ngào của trái cam trong dịp Tết đến, xuân về mà còn muốn có cả những cây cam Canh tán tròn, có quả chín màu đỏ ối xen gợi sự sung túc, đủ đầy, may mắn để trưng bày trong nhà thì những người trồng cam Canh lại càng phải tỉ mẩn trong khâu chăm sóc, tạo dáng… để có được trái cam tròn đều, tán cây xanh mát, hài hòa.

Theo anh Trần Văn Phượng, ở thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, cam Canh giờ đã được trồng ở rất nhiều nơi thuộc ngoại thành Hà Nộị như Đan Phượng, Chương Mỹ, Hòai Đức, Đông Anh… nhưng những trái cam được trồng trên chính đất Vân Canh vẫn cho vị ngọt sắc, đậm đà hơn cả.

Vì thế, vào dịp cuối năm thế này, nhiều người vẫn công phu tìm về tận đây để tìm mua những cây cam cảnh, những quả cam chính gốc Vân Canh về thưởng thức hay làm quà cho bạn bè, người thân.

Kỳ công chăm bón

Nếu xã Vân Canh, huyện Hoài Đức là nơi nổi tiếng với đặc sản cam đường Canh thì xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm lại có loại bưởi Diễn có màu sắc vàng tươi, quả không to lắm nhưng có vị ngọt thơm mát thật đặc sắc.

Là môt xã ven đô, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, quỹ đất canh tác ngày càng thu hẹp nên diện tích trồng bưởi ở Phú Diễn giờ đây cũng không còn là bao. Có những gia đình trước đây có hàng trăm gốc buởi, cho quả lúc lỉu đầy cành vào dịp cuối năm nhưng bây giờ, về Phú Diễn, thật khó khăn để tìm được một hộ nông dân còn giữu được vài trăm gốc bưởi Diễn chính hiệu.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch Hội nông dân huyện Từ Liêm cho biết mấy năm trở lại đây, bưởi Diễn được người dân các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ trồng nhiều hơn ở các xã Phú Diễn, Minh Khai, Xuân Phương của huyện Từ Liêm.

Dẫu không còn nhiều hộ trồng bưởi, song với người dân vùng Phú Diễn, Minh Khai… hầu như ai cũng biết cách chăm sóc bưởi, biết cách ngắm dáng cây mà đoán chất lượng quả của loại cây mà một thời họ từng gắn bó.

Theo chị Nguyễn Thị Xạ ở xã Phú Diễn, người còn giữ lại được hơn chục gốc bưởi, bưởi Diễn là loại cây khó tính còn hơn cả cam Canh nên rất kỳ công chăm sóc. Hàng năm, sau vụ thu hoạch, khi cây bưởi đã có lộc non, người trồng phải hết sức chú ý quét gốc, trừ sâu cho cây để độ tháng 4, 5 cây mới đậu quả được sai, đều.

Là người chuyên đi thu gom bưởi Diễn của các hộ trồng bưởi khắp vùng Phúc Thọ, Hoài Đức... để cung cấp cho người dân nội thành Thủ đô nên anh Nguyễn Văn Mỡ ở xã Vân Cốc, huyện Phúc Thọ là người rất am hiểu đặc tính của loại cây không cho trái vào dịp Trung thu như đa phần các giống bưởi khác mà lại chín vào vào dịp cuối năm để tạo thành đặc sản riêng có của các vùng ngoại thành Hà Nội này.

Anh Mỡ tiết lộ, đang là thời điểm giữa tháng 10 âm lịch nên bưởi Diễn đã vàng ươm, có thể hái được nhưng chưa ngon lắm. Khoảng chừng một tháng nữa, bưởi Diễn ở Hà Nội mới thực sự “vào mùa”.

Cũng theo anh Mỡ, cây bưởi Diễn càng để lâu năm, chất lượng quả càng cao, các tôm bưởi lại càng róc, ngọt, chắc đều. Bởi vậy, khi đưa ra bán ngoài thị trường, người sành bưởi Diễn bao giờ cũng hỏi xem đây là quả bưởi được trẩy từ cây mấy năm tuổi để mà định giá bán mua.

Bưởi Diễn trồng chỉ trong 2 năm sẽ bắt đầu cho quả nhưng với người trồng có kinh nghiệm, lứa quả bói vụ đầu tiên này nên vặt bỏ, giúp cây dồn sức tích lũy dinh dưỡng cho vụ sau. Người nào khôngg có kinh nghiệm hoặc nóng vội để quả ngay trong vụ đầu thì các mùa quả sau sẽ khó có được trái ngon, thơm và to đều.

Anh Mỡ tâm sự, bưởi Diễn bây giờ trồng ở rất nhiều nơi thuộc ngoại thành Hà Nội để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Nhưng anh mong muốn, dù có được trồng ở đâu, bưởi Diễn vẫn cần được chăm sóc chặt chẽ kết hợp với việc chú ý lưu giữ nguồn gen quý, để bảo tồn được giống cây này./.

Thanh Trà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục