Hà Nội: Rực rỡ Phố hoa đón năm mới

Ngày cuối cùng của năm 2008, khu vực hồ Hoàn Kiếm trở thành địa điểm luôn tấp nập người, xe. Người dân khắp nơi trong thành phố và rất nhiều du khách nước ngoài đến đây để chiêm ngưỡng những những tác phẩm độc đáo được kết từ hoa.

Ngày cuối cùng của năm 2008, khu vực hồ Hoàn Kiếm trở thành địa điểm luôn tấp nập người, xe. Người dân khắp nơi trong thành phố và rất nhiều du khách nước ngoài đến đây để chiêm ngưỡng những những tác phẩm độc đáo được kết từ hoa.

Lễ hội Phố Hoa lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào dịp đón năm mới 2009 với sự  có mặt của rất nhiều nghệ nhân và thợ thủ công của các làng nghề, phố nghề Thủ đô.

Phố Hoa quy tụ nhiều tác phẩm độc đáo như Đôi Rồng hoa dài 17m, cao 4,5m; chiếc Quạt hoa độ sải 9m, cao 4,5 m; Phố gốm dài 50m với 200 ngôi nhà cổ thu nhỏ. Cùng với đó là những tiểu cảnh mang nét đặc trưng của nghệ thuật sắp đặt kết hợp giữa hoa và sản phẩm thủ công được tạo nên từ hơn 50.000 hoa chậu, hơn 30.000 hoa cắt cành, hàng nghìn mét cỏ nhung hòa cùng không gian cây cảnh, cây thế, đá nghệ thuật.

Tác phẩm đôi rồng hoa khổng lồ màu đỏ rực rỡ tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ là điểm nhấn khiến nhiều du khách thực sự bị cuốn hút.

Để kết nên đôi rồng có một không hai này, các nghệ nhân, thợ thủ công ngành hoa Hà Nội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nghệ nhân hoa quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng đã phải chuẩn bị ròng rã hàng tháng trời. Chỉ riêng việc kết hoa phải dùng đến hơn 10.000 bông hoa hồng môn đỏ thắm cùng hàng nghìn bông cúc pinh-pông, cúc chi, lá dứa chuyển từ Đà Lạt ra.

Đứng hồi lâu trước tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ hoa lá đó, bác Nguyễn Duy Quản, 73 tuổi (phòng 104, ngõ 2 phố Tây Sơn, quận Đống Đa) phải thốt lên: "Đẹp thật! Lần đầu tiên trước tượng đài Lý Thái Tổ có đôi rồng thế này thật có ý nghĩa". Sống ở Hà Nội đã lâu, từng chứng kiến nhiều sinh hoạt lễ hội, nhưng khi nghe nói về Phố hoa này, ông bà Quản đã không ngại ngần thu xếp để đưa đứa cháu ngoại đang lẫm chẫm tập đi đến nhìn tận mắt.

Tác phẩm "Song phụng mừng Xuân" kết bằng hoa cúc vàng, ớt đỏ, lá lưỡi hổ, lá dứa, đặt cạnh quả cầu tròn kết bằng lá chầu ông, tượng trưng cho trái đất xanh yên bình của nhóm nghệ nhân đến từ Thành phố Hồ Chí Minh trưng bày ngay bên hồ Gươm cũng hấp dẫn rất đông người đến xem và chụp ảnh kỷ niệm.

Anh Nguyễn Thanh Sơn, người trực tiếp tham gia sáng tạo nên đôi phụng tâm sự, việc chuẩn bị mất rất nhiều công đòi hỏi rất tỷ mỉ. Nhóm của anh phải phác thảo mô hình trên máy vi tính, kết màu lên để chọn các loại hoa, quả pha màu cho phù hợp, đến việc ra rẫy mua rơm, xịt nước cho dịu rơm, rồi nhồi rơm vào khung, hồ bột năng chát lên, rồi bo cho tròn, dán giấy xi măng lên, đem phơi khô... Khi ra Hà Nội, thầy trò anh mới bắt đầu kết hoa, quả (dùng tới 20kg ớt đỏ, 50 kg hoa cúc nhỏ) và phải làm liên tục trong 3 ngày, hôm nào cũng đến 11, 12 giờ đêm.

Phố gốm dài chừng 50m, với 200 ngôi nhà nhỏ, mái lô xô của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đến từ làng nghề Bát Tràng cũng là điểm mà du khách không thể bỏ qua.

Anh Tuấn cho biết, đề tài Phố cổ được anh ấp ủ quãng chục năm trở lại đây. Hình ảnh những mái ngói lô xô trong tranh Bùi Xuân Phái, những lời thơ, nét nhạc trong các ca khúc về Hà Nội của Trịnh Công Sơn đã khơi nguồn sáng tạo để anh làm nên tác phẩm độc đáo này.

Xem Phố gốm, người Hà Nội như có cảm giác đang đứng bên sông Hồng nhìn về những mái ngói rêu phong của khu di tích Quốc gia Phố cổ, với chút gì đó man mác buồn, hoài niệm về một Hà Nội xưa cổ kính...

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục