Thêm mặt bằng bán lẻ

Hà Nội sẽ bổ sung nguồn cung mặt bằng bán lẻ

Đến cuối năm nay, diện tích mặt bằng bán lẻ tại thủ đô Hà Nội sẽ tăng gấp ba lần so với hiện nay, từ 100.000m2 lên đến 300.000m2.
Không ảm đạm như phân khúc thị trường căn hộ chung cư, đất nền hay rập rình giảm giá như khối văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ vẫn là một kênh chuyên biệt có sức hấp dẫn riêng trên thị trường bất động sản.

Thậm chí, các chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, quản lý bất động sản cho rằng việc lấp đầy diện tích cho thuê tại các trung tâm thương mại dễ dàng hơn nhiều so với việc phủ kín diện tích cho thuê văn phòng.

Theo khảo sát của Công ty trách nhiệm hữu hạn CB Richard Ellis (CBRE Việt Nam), tỷ lệ mặt bằng bán lẻ còn trống tại địa bàn Hà Nội chỉ khoảng 12%. Tuy nhiên con số này chủ yếu rơi vào những dự án đang sửa chữa như Tràng Tiền Plaza hoặc mới hình thành ở khu vực xa trung tâm.

Đặc biệt, tại 8 dự án trung tâm thương mại nằm tại trung tâm các quận nội thành của Hà Nội, tỷ lệ cho thuê luôn lấp đầy, không còn mặt bằng trống.

Hiện toàn thành phố chỉ có khoảng hơn 100.000m2 mặt bằng bán lẻ. Nguồn cung về mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội vẫn hạn chế so với cầu. Bởi vậy, các cửa hàng mặt phố tại trung tâm cũ của Hà Nội vẫn đóng vai trò quan trọng trong thời điểm thiếu nguồn cung về mặt bằng bán lẻ.

Tuy nhiên, căn cứ vào những công trình đã khởi công và các dự án đã được phê duyệt, có thể thấy giai đoạn 3 năm tới, Thủ đô sẽ được bổ sung đáng kể nguồn cung mặt bằng bán lẻ. Chỉ tính riêng đến cuối năm nay, diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội sẽ tăng gấp ba lần so với hiện nay, đạt trên 300.000m2.

Với xu thế hiện nay, khi phát triển các khu đô thị mới, chủ đầu tư đều dành quỹ đất xây dựng các khu trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu của người dân. Các vị trí đắc địa, các cụm công trình hay tổ hợp tòa nhà đều dành phần đế liên thông hay tầng hầm… để bố trí trung tâm thương mại, điển hình như các dự án: IndoChina Plaza Hà Nội, Keangnam Hà Nội Landmark Tower, Grand Plaza, Sông Đà Twin Tower, Times City, Royal City…

Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam - ông Richard Leech cho biết các tập đoàn bán lẻ có uy tín, thương hiệu thời trang lớn hay chuỗi nhà hàng fast-food tên tuổi… vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng. Bởi vậy, trong xu thế phát triển mới, các trung tâm bán lẻ sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế mới thu hút được các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam.

Nhiều khách hàng đánh giá cao yếu tố đồng bộ của các trung tâm thương mại với đầy đủ dịch vụ từ mua sắm, ẩm thực, thể thao, làm đẹp đến vui chơi giải trí phong phú.../.

Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục