Hà Nội sẽ có gần 100 tuyến xe buýt vào năm 2020

Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến 2020 vừa được Hà Nội phê duyệt sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại 25% hành khách.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Mục tiêu đến năm 2020, xe buýt sẽ có 98 tuyến, khối lượng 2,73 triệu hành khách/ngày ở giai đoạn 2016-2020 đáp ứng được 25% nhu cầu đi lại của người dân.

Theo dự kiến, giai đoạn 2011-2015 sẽ có 91 tuyến buýt trong mạng lưới giao thông, giai đoạn 2016-2020 sẽ là 98 tuyến.

Sản lượng vận tải hành khách công cộng sẽ đạt 2,23 triệu hành khách/ngày giai đoạn 2011-2015 và 3,62 triệu hành khách/ngày ở giai đoạn 2016-2020.

Riêng sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dự kiến đạt 2,14 triệu hành khách/ngày giai đoạn 2011-2015 và 2,73 triệu hành khách/ngày ở giai đoạn 2016-2020.

Với mục tiêu phấn đấu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng 15% nhu cầu vào năm 2015 và đạt tới 25% vào năm 2020, Đề án sẽ thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Cải thiện và phát triển mạng lưới tuyến xe buýt; Cải thiện và phát triển hạ tầng buýt đưa vào các mô hình hạ tầng tiên tiến (các điểm đầu cuối, các điểm trung chuyển, các làn đường dành riêng, hệ thống nhà chờ và giao thông tiếp cận,…) đồng bộ với hệ thống điểm, bãi đỗ xe và hạ tầng giao thông tiếp cận tới khu vực dân cư nhằm tăng cường năng lực và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, Đề án cũng sẽ bổ sung và đổi mới đoàn phương tiện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đồng thời hướng tới hình thành một đoàn phương tiện đạt tiêu chuẩn buýt đô thị thân thiện môi trường; hiện đại hoá công nghệ quản lý, áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát, điều hành và hệ thống thông tin hành khách tiên tiến; đổi mới hệ thống vé linh hoạt, đa dạng, tiên tiến, có giá vé hợp lý đảm bảo hấp dẫn và thuận lợi cho người sử dụng, thuận tiện cho kiểm soát và quản lý doanh thu…

Ngoài ra, Đề án còn có nhiệm vụ thể chế các chính sách như: Các quy định về xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểm tra giám sát, hệ thống vé; Các quy định về công tác quản lý các loại vé; Khung chính sách phát triển giao thông vận tải đô thị…

Đề án là một hợp phần của hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức trong tương lai. Đồng thời, khuyến khích người sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội trong giao thông vận tải./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục