Hà Nội sẽ di chuyển 1.800 hộ dân khỏi khu phố cổ

Dự kiến trong giai đoạn 1 của Đề án giãn dân phố cổ, Hà Nội sẽ nghiên cứu di chuyển khoảng 1.800 hộ dân, với 7.200 nhân khẩu, ra khỏi khu phố cổ.
Chiều 6/7, tại cuộc họp thảo luận Đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng đề án đã đảm bảo mục tiêu cải thiện môi trường sống đô thị trong khu vực phố cổ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội.

Khu phố cổ nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm có tổng số dân theo kết quả điều tra khảo sát năm 2009 khoảng 66.660 người với mật độ 840 người/ha. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2020, khu vực này phải giảm mật độ dân số xuống còn 500 người/ha (40.460 dân toàn khu vực) để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể của khu phố cổ; như vậy sẽ phải di chuyển 26.200 người.

Theo tính toán, ước nhu cầu đất phục vụ cho việc giãn dân khoảng 40,6 ha. Dự kiến tổng vốn đầu tư của Dự án giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân giai đoạn 1 của Đế án khoảng 1.817 tỷ đồng (dự án đầu đi) và khoảng 2.475 tỷ đồng xây dựng nhà ở tại nơi đến (Khu đô thị mới Việt Hưng).

Đề án giãn dân khu phố cổ được chia làm nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn 1 với khu đất có diện tích 11,12 ha tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên), quận Hoàn Kiếm sẽ nghiên cứu đề xuất những giải pháp cơ bản để di chuyển khoảng 1.800 hộ dân (7.200 người) đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển sang định cư tại khu đô thị giãn dân Việt Hưng.

Để thực hiện Dự án này có hiệu quả, quận Hoàn Kiếm dự kiến sẽ lập 2 dự án gồm Dự án “Tổ chức di dời các hộ dân di khỏi khu vực phố cổ” và Dự án “Đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng” đồng thời, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù phục vụ công tác giãn dân phố cổ như chính sách ưu đãi về nhà ở, ưu đãi về giá bán nhà, cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư…

Tuy nhiên, có hai vấn đề chưa được cụ thể hóa trong Đề án là cơ chế kiểm soát tăng dân số trở lại và quy hoạch khu phố cổ sau khi giãn dân. Vì vậy, để Đề án có tính khả thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm tiếp thu những ý kiến của các sở, ngành hoàn chỉnh, bổ sung Dự án trong tháng 7 để trình các cấp, phấn đấu phê duyệt Đề án vào tháng 8/2011. Ngày 20/7/2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc trình Thành phố quy hoạch chi tiết khu đất giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng.

Trên cơ sở đó,  Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức tốt các bước chuẩn bị thực hiện Dự án “Đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng”.../.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục