Hà Nội tăng quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Phúc đề nghị UBND thành phố phân rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP.
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Phúc đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh sự chồng chéo.

Tại cuộc họp giữa Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố về công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố, ngày 26/10, ông Phúc cho rằng, thành phố cần phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, kết hợp nguồn lực thành phố, nguồn lực địa phương và nguồn lực xã hội đảm bảo tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, thành phố nên có chế tài xử phạt hợp lý, nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu đơn vị, cá nhân nào sản xuất không đảm bảo vệ sinh hoặc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, cũng cần có chế độ khen thưởng xứng đáng với những ai phát hiện, tố giác cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Hội đồng Nhân dân thành phố sau đợt giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố mới đây , tình trạng không kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm còn phổ biến nhất là đối với các loại sản phẩm nhập ngoại không rõ nguồn gốc.

Đặc biệt, cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn thành phố chưa xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn. Việc sản xuất rau cũng như chăn nuôi giết mổ gia súc, gia cầm còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán và không kiểm soát được chất lượng.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm nhìn chung còn chồng chéo, dẫn đến có những vùng trắng không có cơ quan quản lý. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức quá thấp; trang thiết bị kiểm nghiệm còn thiếu và lạc hậu; thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động và trang thiết bị kiểm tra nhanh...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đào Văn Bình thừa nhận nguyên nhân tình trạng trên là do nhận thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh, một số cơ sở giết mổ gia súc gia cầm còn yếu; ý thức của người tiêu dùng trong lựa chọn thực phẩm còn đơn giản, dễ dãi. Đặc biệt hệ thống tổ chức mạng lưới cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, một năm Sở chỉ có 140 triệu đồng cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và trong khi, Thành phố Hồ Chí Minh có 700 cán bộ kiểm tra việc giết mổ thì Hà Nội chỉ có khoảng 300 người. Các chốt kiểm dịch vì thế không đủ số người đảm nhiệm, thậm chí những địa bàn trọng điểm cũng chưa tổ chức được chốt kiểm dịch đủ mạnh.

Theo Sở Công thương, cơ quan này có 2 phòng chuyên môn liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng chưa có tổ chuyên trách. Không những thế, việc kiểm tra chủ yếu dựa vào cảm quan, vì kinh phí cho mảng an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa rõ ràng...

Ông Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết thêm, trong thời gian sớm nhất, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ đưa vấn đề tăng biên chế và tăng chi ngân sách cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan liên quan đến vấn đề này để bảo đảm việc quản lý lĩnh vực này được thực hiện theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục