Hà Nội tạo thuận lợi hơn trong phát triển công nghiệp, thương mại

Năm 2020, ngành công thương Hà Nội phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trên 8,8% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8%.
Hà Nội tạo thuận lợi hơn trong phát triển công nghiệp, thương mại ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về ngành công thương năm 2019 và triển khai kế hoạch, phát động phong trào thi đua năm 2020 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức sáng 7/1, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội tăng cường rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách mới phù hợp với điều kiện khách quan và nhu cầu phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa trong sản xuất công nghiệp và thương mại.

Cụ thể, về công nghiệp, Sở cần tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đôn đốc hoàn thành các thủ tục thành lập và đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp.

Cùng với đó, Sở đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp đi vào thực chất và tận dụng thành quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các công trình điện kết hợp với đẩy mạnh Chương trình thực hiện sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng mới để đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cho Thủ đô.

Về thương mại, Sở tập trung triển khai các giải pháp phát triển thương mại theo hướng văn minh hiện đại; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, cải tạo chợ và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng logistics, trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới máy bán hàng tự động; đôn đốc tăng cường quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh thương mại, đặc biệt là chợ.

Bên cạnh đó, Sở cần tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên các sản phẩm có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Ngoài ra, Sở cần thực hiện tốt bình ổn thị trường, kết nối cung cầu đảm bảo nguồn hàng; phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát thị trường, chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu, góp phần kiềm chế lạm phát…

[Từ 1/1/2020, Hà Nội áp dụng bảng giá đất với mức tăng bình quân 15%]

Ngoài ra, Sở cũng cần tăng cường quản lý kinh doanh đa cấp, tổ chức tốt công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất và người tiêu dùng; thực hiện tốt cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi chia sẻ dữ liệu, quản lý theo quy trình ISO, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Rà soát, kiến nghị sửa đổi các cơ chế chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực công thương để tăng cường phân cấp và tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành.

Năm 2020, ngành công thương Hà Nội phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trên 8,8% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng trên 10,8% so với năm 2019; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng trên 12% so với năm 2019.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, kinh tế xã hội năm 2019, Hà Nội đã hoàn thành tất cả 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội; trong đó, thu ngân sách vượt dự toán, 8 chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,62%, vượt kế hoạch đề ra từ 7,4-7,6%; trong đó, cả ba chỉ tiêu về giá trị tăng thêm sản xuất công nghiệp 10,09%, phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8,45%, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tăng 25,8%.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 268.391 tỷ đồng, vượt 2% dự toán và tăng 8,8% so với năm 2018. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,46 tỷ USD dẫn đầu cả nước và thành lập mới 27.902 doanh nghiệp, tăng 11% về số lượng và 30% về vốn đăng ký.

Hà Nội tạo thuận lợi hơn trong phát triển công nghiệp, thương mại ảnh 2(Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết trong lĩnh vực thương mại việc thu hút đầu tư xây dựng một số hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố có phát triển mạnh mẽ song tỷ lệ còn thấp so với quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời việc phân bố đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại chưa đồng đều giữa thành thị và nông thôn. Một số loại hình hạ tầng thương mại mới đang hình thành và phát triển nhưng thiếu cơ sở pháp lý để quản lý và phát triển; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp với yêu cầu ngày càng đa dạng, phức tạp trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2019, công nghiệp, thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, các cụm công nghiệp đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thành lập từ năm 2018 đến nay, mặc dù chủ đầu tư đã cố gắng và nỗ lực nhưng tiến độ, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất còn chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ công nghệ, máy móc, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống lưới điện trên địa bàn mặc dù đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước, nhưng vẫn chưa đồng bộ, khả năng dự phòng lưới điện còn hạn chế.

Nhân dịp này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2014-2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục