Hà Nội: Tạo việc làm cho hơn 2.300 lao động thông qua Quỹ quốc gia

Các cấp công đoàn đã bảo lãnh cho 1.813 hộ gia đình công nhân, viên chức vay vốn, giải quyết việc làm cho 2.320 lao động với mức thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.
Hà Nội: Tạo việc làm cho hơn 2.300 lao động thông qua Quỹ quốc gia ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội đang quản lý 2.931 công đoàn cơ sở với gần 330.000 công nhân lao động; trong đó, chủ yếu ở khu vực sản xuất kinh doanh.

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí phải giải thể, dẫn đến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, số công nhân lao động bị mất việc làm ngày càng tăng.

Để từng bước góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cán bộ, viên chức, đặc biệt là công nhân lao động; tạo động lực và niềm tin vào tổ chức công đoàn để người lao động hăng say làm việc, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp phát triển bền vững, các cấp công đoàn Thủ đô đã quan tâm, hỗ trợ người lao động giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình thông qua nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Hà Nội Đặng Minh Thuần, Liên đoàn lao động thành phố quản lý gần 32,8 tỷ đồng từ nguồn vốn vay này; trong đó, chủ yếu là nguồn vốn địa phương qua Ủy ban Nhân dân thành phố (29,92 tỷ đồng).

Để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp công đoàn đã bảo lãnh, tín chấp cho 1.813 hộ gia đình công nhân, viên chức-lao động vay vốn, giải quyết việc làm cho 2.320 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.

Chỉ tính tám tháng đầu năm nay, Liên đoàn lao động thành phố đã quyết định cho 173 dự án của công nhân viên chức-lao động vay vốn, gồm 110 dự án đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; 43 dự án đầu tư trồng cây ăn quả; 15 dự án đầu tư sản xuất, gia công cơ khí; 5 dự án đầu tư nuôi cá.

Đánh giá của các cấp công đoàn thành phố cho thấy công tác cho vay vốn, giải quyết việc làm thời gian qua đã thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo toàn được nguồn vốn, không để thất thoát.

Nhiều cán bộ công đoàn bày tỏ sự đồng tình cao về kết quả, ý nghĩa của hoạt động vay vốn trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số vốn vay từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm hiện chỉ đáp ứng từ 30-35% nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, tạo việc làm mới cho người lao động.

Mặt khác, với mức cho vay tối đa 20 triệu đồng cho một dự án còn thấp so với giá cả, hàng hóa tăng cao, chưa thực sự tạo động lực phát triển, trong khi đó, thời gian thẩm định vốn còn dài, một số dự án nợ đọng cao.

Để chủ động đưa vốn đến người lao động có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, Liên đoàn lao động thành phố đang đề nghị sổ sung nguồn vốn vay năm 2014, từ nguồn địa phương từ 10-15 tỷ/năm, nâng mức vay từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng/hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục