Hà Nội thảo luận thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị

Ngày 1/10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVI) đã tiến hành Hội nghị lần thứ 15, thảo luận về đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Hà Nội thảo luận thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị ảnh 1Một góc thành phố Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 1/10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVI) đã tiến hành Hội nghị lần thứ 15, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Tại hội nghị, thảo luận về dự thảo “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội,” đa số đại biểu đã thống nhất lựa chọn phương án 1, trong đó đề xuất bỏ Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

Cụ thể, phương án 1 sẽ xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã), 1 cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn. Chính quyền thành phố, quận, huyện, thị xã sẽ gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, cơ bản giữ nguyên như hiện nay.

Đối với tổ chức chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, sẽ không tổ chức Hội đồng Nhân dân, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế Ủy ban Nhân dân. Lý do được đưa ra là vì thực tế, Hội đồng Nhân dân phường hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, không quyết định được những vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn, hoạt động giám sát mang tính hình thức.

Theo dự thảo đề án, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở phường trước, lộ trình thực hiện từ năm 2021 đến 2026, sau đó từ năm 2026-2031 mới triển khai không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở xã, thị trấn.

Ngoài ra, phương án 2 cũng được đưa ra thảo luận tại hội nghị với nội dung: Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Theo phương án này, tổ chức chính quyền thành phố là cấp chính quyền đầy đủ gồm Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân như hiện nay. Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã là một cấp chính quyền không đầy đủ, không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, phường, chỉ tổ chức cơ quan hành chính quận, huyện, thị xã theo thiết chế Ủy ban Nhân dân…

Đa số đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 1 nhưng đề nghị điều chỉnh tổ chức, cơ cấu bộ máy Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, cũng như mô hình tổ chức bộ máy ở cấp xã, phường, thị trấn cho phù hợp; có lộ trình cụ thể, thời gian phù hợp thực hiện nội dung đề án.

“Cần có lộ trình cụ thể để phù hợp với từng nội dung của đề án. Đặc biệt cần quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nắm thật chắc về chính quyền đô thị mới đáp ứng được yêu cầu. Thành phố phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị nội dung để trình Chính phủ ban hành Nghị định. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát chính quyền cũng là nội dung rất quan trọng,” Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng đề nghị.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang cho rằng, phương án 1 khả thi hơn, cần giảm số đại biểu Hội đồng Nhân dân, tăng cán bộ chuyên trách. Việc bỏ Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn là cần thiết vì hoạt động không hiệu quả, một phần do cơ chế, phân cấp, phân quyền không tới, hoạt động còn mang tính hình thức. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quang băn khoăn, khi bỏ Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn thì tên Ủy ban Nhân dân có còn không, hay thay đổi là Ủy ban Hành chính.

Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội nêu ý kiến: Nhất trí với phương án 1 là giữ nguyên 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã), đương nhiên cần điều chỉnh nhiệm vụ, đặc biệt quan tâm việc phân cấp để đảm bảo hoạt động chủ động, linh hoạt, hiệu quả hơn. Riêng cấp phường cần điều chỉnh mạnh dạn hơn nữa. Không nên đặt tên là Ủy ban Nhân dân hay Ủy ban Hành chính mà là Ban đại diện của quận ở cấp phường. Nếu để Ủy ban Nhân dân phường vẫn phải do Hội đồng Nhân dân phường bầu ra, như thế vẫn tồn tại 3 cấp chính quyền. Như vậy, Luật không cho phép mà về mặt hành chính càng không đúng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị để bổ sung hoàn thiện đề án phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ, nhưng có bước đi thận trọng, tránh xáo trộn; phù hợp với lộ trình cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, dự kiến sẽ báo cáo đề án với Bộ Chính trị vào tháng 12/2018, báo cáo Chính phủ quý 1/2019 và trình Quốc hội xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép làm thí điểm quý 4/2019. Sau khi được thông qua, nếu thực hiện theo phương án 1 sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân tại phường trước, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026-2031. Nếu thực hiện theo phương án 2, sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân xã, phường, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, thị xã từ đầu nhiệm kỳ 2026-2031./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục