Hà Nội thí điểm là thành phố thích ứng với khí hậu

Ngày 24/2 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và các cơ quan đối tác thuộc Liên hợp quốc đã công bố Cẩm nang Thành phố thích ứng với khí hậu ở Việt Nam và thành phố Hà Nội được chọn là nơi thực hiện thí điểm dự án hỗ trợ giảm nhẹ, quản lý và đối phó với rủi ro thiên tai.

Ngày 24/2 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và các cơ quan đối tác thuộc Liên hợp quốc đã công bố Cẩm nang Thành phố thích ứng với khí hậu ở Việt Nam và thành phố Hà Nội được chọn là nơi thực hiện thí điểm dự án hỗ trợ giảm nhẹ, quản lý và đối phó với rủi ro thiên tai.
 
Bà Federica Ranghieri, chuyên gia môi trường WB và cũng là tác giả chính của cuốn sách cho biết, cuốn cẩm nang nhằm cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách địa phương về biến đổi khí hậu và những tác động của nó, trang bị cho họ kiến thức về đánh giá rủi ro để xây dựng và thực hiện hệ thống các hành động ứng phó với thiên tai.
 
Cẩm nang Thành phố thích ứng với khí hậu được giới thiệu ở một số thành phố ở Đông Á dựa trên hai tiêu chí: tính rủi ro và năng lực thực hiện dự án giảm thiểu tác động của thiên tai. “Vì thế chúng tôi chọn Việt Nam để giới thiệu cuốn sách vì dĩ nhiên Việt Nam có rủi ro thiên tai và có năng lực thực hiện, năng lực này đã có sẵn ở nhiều thành phố. Hà Nội chắc chắn là một thí dụ tốt nhất mà chúng tôi có thể sử dụng để mở rộng mô hình ra các thành phố khác,” bà Ranghieri nói.
 
Theo bà Ranghieri, phần lớn các thành phố ở Việt Nam đều chịu tác động bởi thay đổi khí hậu và “chịu nhiều thách thức hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới.” Việt Nam có nhiều thành phố ven biển và nằm ở những vùng có địa hình thấp nên nước biển dâng cao chính là một trong nhiều mối đe dọa. “Tuy nhiên, hiện nay nhiều thành phố như Hà Nội cũng đã bắt đầu gặp phải nhiều vấn đề về lũ lụt, lượng mưa và nhiệt độ thay đổi... và chắc chắn là còn chịu nhiều tác động trong những năm tới.”
 
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học, thiên tai, lũ lụt trong năm 2007 tại Việt Nam đã làm 435 người chết và mất tích, 7.800 ngôi nhà bị sập, 1.300 đập, cầu cống sạt lở và phá hỏng 1.500 km đê, gây tổng thiệt hại lên tới 11.600 tỉ đồng tương đương 11% GDP.
 
Tình trạng nước biển xâm thực, úng ngập và ùn tắc giao thông do mưa lũ đang lên tới mức báo động do tình trạng phát triển dân số và tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong khi quy hoạch cơ sở hạ tầng lại không đồng bộ, còn nhiều yếu kém.
 
Giáo sư Trần Thục, thuộc Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Môi trường, đưa ra cảnh báo trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm ở Việt Nam tăng 0,7oC, lượng mưa đang ngày càng giảm đi trong những tháng mùa khô trong khi tăng nhanh vào những tháng mùa mưa, gây lũ lụt và hạn hán thường xuyên hơn. Ông dự báo nếu mực nước biển tăng lên 1m, 10% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và GDP cả nước sẽ giảm đi 10%.
 
Ông cũng cho biết mặc dù lượng phát thải của Việt Nam còn thấp, ở mức 0,4% của thế giới nhưng trong những năm tới do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam sẽ tiếp tục phải sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch gây hiệu ứng nhà kính và do đó, cuốn cẩm nang thực sự là một công cụ tối cần thiết cho các nhà quản lý.
 
Cuốn cẩm nang là kết quả của hợp tác nghiên cứu giữa Bộ phận Phát triển Bền vững Vùng Đông Á và Thái Bình Dương của WB và UN/ ISDR.
 
Sau khi thực hiện thành công ở Hà Nội, dự án về mô hình thành phố thích ứng với khí hậu sẽ được nhân rộng ra nhiều thành phố ra cả nước./.
 
Hồng Nhung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục