Hà Nội: Triển lãm "Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ"

Triển lãm "Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ" giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu mang đậm chất Pháp, đã trở thành một phần của thủ đô Hà Nội.
Hà Nội: Triển lãm "Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ" ảnh 1Cầu Doumer - nay là cầu Long Biên. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Ngày 7/12, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam phối hợp cùng Cục Lưu trữ Pháp tổ chức triển lãm "Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ" tại 18 Vũ Phạm Hàm (Hà Nội).

Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp. 

Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết nhiều năm qua, với sứ mệnh gìn giữ di sản ký ức chung là tài liệu lưu trữ thời kỳ thuộc địa Pháp tại Việt Nam, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam và Cục Lưu trữ Pháp đã hợp tác triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa để phát huy giá trị khối tài liệu lưu trữ quý giá này.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường nhấn mạnh triển lãm là hoạt động nối tiếp trong chuỗi hợp tác không ngừng phát triển giữa hai cơ quan lưu trữ ở hai quốc gia.

Đây sẽ là cơ hội để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người làm công tác nghiên cứu có thêm thông tin, tư liệu để tìm hiểu và khám phá những điều thú vị về lịch sử và văn hóa của hai đất nước, từ đó sẽ có thêm nhiều dự án mới, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ giữa hai cơ quan lưu trữ quốc gia Việt-Pháp được tiến hành và thu hút sự quan tâm của công chúng hai nước. 

Triển lãm giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu mang đậm chất Pháp, đã trở thành một phần của thủ đô Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, bản gốc những tài liệu này hiện đang được bảo quản tại Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại, Cục Lưu trữ Pháp và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Cục Văn thư lưu trữ nhà nước Việt Nam. 

Triển lãm được chia thành 3 chủ đề: "Từ một đô thị Á Đông đến một thủ đô mang dáng vẻ châu Âu"; "Sự tiếp nhận nền giáo dục phương Tây"; "Sứ mệnh giữ gìn ký ức của lưu trữ."

Những tác phẩm đã thể hiện hình ảnh của Thủ đô Hà Nội mang dáng vẻ châu Âu. Nhiều công trình tiêu biểu đã trở thành di sản tại thành phố Hà Nội như: Phủ Toàn quyền Đông Dương; Phủ Thống sứ Bắc Kỳ; Tòa án; Nhà hát thành phố; Bưu điện; Bảo tàng Louis Finot, Trường Đại học Đông Dương, Trường Nữ sinh Pháp, Trường Trung học Bảo hộ, Nha Tài chính Đông Dương, Ga Hàng Cỏ và Cầu Long Biên...

Những dấu ấn về quy hoạch và kiến trúc của một giai đoạn lịch sử đặc biệt đã tạo nên một Hà Nội duyên dáng vừa cổ kính vừa hiện đại, trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách Việt Nam và nước ngoài. 

Bên cạnh đó là những tác phẩm nghệ thuật phản ánh sự tiếp nhận nền giáo dục phương Tây cuối thế kỷ 19 cùng với sự hiện diện của người Pháp, nền giáo dục phương Tây đã từng bước được du nhập vào Việt Nam.

Các trường học được xây dựng từ thời kỳ này vẫn còn là một phần không thể thiếu trong hệ thống trường học ở Hà Nội ngày nay. Hình ảnh các lớp học, khuôn cửa và những mái hiên của các ngôi trường như: Chu Văn An, Trần Phú, Đại học Dược, Đại học Mỹ Thuật… mang đậm dấu ấn Pháp trong giáo dục. Chính tại những ngôi trường đó, chủ trương xóa bỏ Nho học; hệ giáo dục Pháp-Việt từng bước được xây dựng. 

Với sứ mệnh gìn giữ ký ức, tài liệu lưu trữ thời kỳ thuộc địa đã khắc hoạ một cách sinh động và chân thực những dấu ấn về sự ảnh hưởng văn hóaPháp tại Việt Nam. Sứ mệnh quan trọng này đã được người Pháp đặc biệt quan tâm, thể hiện bằng việc thành lập Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương để quản lý công tác lưu trữ ở Đông Dương vào năm 1917. Sự ra đời của cơ quan này đã trở thành dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến mang tính bước ngoặt của Lưu trữ Việt Nam. 

Triển lãm sẽ kết thúc vào 7/3/2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục