Hà Nội ứng phó khẩn cấp các chủng virus cúm nguy hiểm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, thành phố Hà Nội đã chủ động có những biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm ngăn chặn các chủng virus cúm nguy hiểm.

Từ đầu năm tới nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm nói chung và dịch cúm gia cầm nói riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn ổn định, chưa phát hiện có cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và ở người.

Tuy nhiên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng, nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 và A/H7N9 ở Hà Nội rất cao do số lượng gia cầm lớn với hơn 23 triệu con các loại.

Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn 60%, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, kiểm soát vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.

Đặc biệt, tình trạng hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Ông Trần Xuân Việt cho hay, để chủ động phòng chống dịch một cách hiệu quả, nhất là đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có thể lây sang người, Hà Nội đã tăng cường quản lý giết mổ nhỏ lẻ và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm; đồng thời, thường xuyên lấy mẫu gia cầm kiểm tra tại các chợ.

Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, báo cáo kịp thời để xử lý không để lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, các cán bộ thú y còn thực hiện lấy mẫu giám sát thường xuyên để dự báo sớm dịch bệnh.

Đến nay, Chi cục Thú y Hà Nội đã lấy tổng số 1.487 mẫu Swab, 735 mẫu máu và 40 mẫu nước uống của gia cầm. Hiện tại, Chi cục Thú y Hà Nội chưa phát hiện có trường hợp nào nhiễm cúm H7N9 trên địa bàn Thủ đô.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Chi cục Thú y Hà Nội luôn tổng hợp báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh cúm gia cầm về Ban chỉ đạo thành phố từ 14-16 giờ hàng ngày.

Ngoài việc khử trùng môi trường bằng hóa chất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng triển khai tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm và tiêm phòng đại trà từ ngày 1/3 đến 1/4.

Thành phố đã tăng cường quản lý công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh buôn bán giết mổ nhằm phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại và kiểm tra tại các chợ.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đúng, đủ để người dân nhận thức rõ tình hình dịch; thực hiện các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, nhất là tiêu độc khử trùng và kiểm soát vận chuyển, giết mổ.

Các quận, huyện cần đưa ra các phương án chi tiết phòng chống dịch, vừa đảm bảo khống chế mầm bệnh mà không ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục