Hà Nội xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề

Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề; trong đó, có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu.
Hà Nội xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề ảnh 1Lãnh đạo Bộ Công Thương và Sở Công Thương thành phố Hà Nội đến thăm làng nghề Bát Tràng. (Ảnh: TTXVN)

Với vùng đất trăm nghề, có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng như mây tre đan, gốm sứ, tơ lụa, quà tặng, lưu niệm của Hà Nội được dịp giới thiệu và quảng bá đến bạn bè quốc tế thông qua Đại hội Đông Nam Á lần thứ 31 vừa qua.

Đó cũng là dịp để các làng nghề của Hà Nội quảng bá, giới thiệu hình ảnh và xây dựng thương hiệu thông qua các sản phẩm để giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề; trong đó, có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu.

Riêng làng nghề gốm sứ Bát Tràng có số lượng nghệ nhân đông nhất cả nước với 75 nghệ nhân.

[Quảng bá ẩm thực Hà Nội đến với khách tham dự Sea Games 31]

Các làng nghề Hà Nội cũng có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, hội tụ đủ các nhóm nghề gồm sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh...

Trong những ngày tháng 5 này, các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội luôn nhộn nhịp chuẩn bị sản phẩm để giới thiệu những tinh hoa thông qua các hoạt động quảng bá du lịch, lễ hội quà tặng, ẩm thực và du lịch làng nghề... nhằm thu hút hàng vạn người tham quan và mua sắm.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết Đại hội thể thao lớn nhất khu vực, thu hút khoảng 10.000 đại biểu, vận động viên, phóng viên quốc tế tham dự. Đây là cơ hội vàng để quảng bá điểm đến du lịch Thủ đô nói riêng và sản phẩm Việt Nam nói chung tới bạn bè quốc tế và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng, lưu niệm.

Làm việc với các cơ sở làng nghề, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ghi nhận các sản phẩm quà lưu niệm được bày bán rất đa dạng, phong phú; trong đó, các sản phẩm thủ công đặc trưng của Hà Nội sẽ là những món quà thú vị, mang những nét rất riêng, mang đậm chất văn hóa và hy vọng sẽ gây ấn tượng với du khách quốc tế.

Là một trong những làng nghề được chọn đón tiếp khách tham quan, mua sắm, các cửa hàng kinh doanh tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông-Hà Nội) đều được trang hoàng đẹp mắt.

Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hội Làng nghề Vạn Phúc - cho biết đây là cơ hội đối với làng lụa Vạn Phúc. Các cơ sở tập trung sản xuất quà tặng phục vụ khách tham quan và du lịch.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền về ứng xử văn minh, không chèo kéo mua bán làm ảnh hưởng đến hình ảnh của làng nghề.

Theo bà Phạm Thị Lụa, chủ xưởng may Lụa tơ tằm, cho biết khi biết làng nghề lụa Vạn Phúc được chọn để đón tiếp khách tham quan, mua sắm trong dịp này cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

Do 2 năm xảy ra dịch COVID-19, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nay được mở cửa trở lại, kinh doanh thuận lợi hơn. Đặc biệt, gia đình có thể giới thiệu quảng bá được những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hy vọng sau đợt SEA Games 31 này, xưởng may của gia đình bà cũng nhận được nhiều đơn hàng hơn.

Đồng quan điểm này, nghệ nhân Đỗ Quang Hùng cho rằng nắm bắt được nhu cầu mua sắm của người dân cũng như của du khác quốc tế khi đến Việt Nam trong dịp này, các cơ sở sản xuất đã chuẩn bị các sản phẩm với mẫu mã mới, lạ, đa dạng, phong phú về chủng loại để phục vụ du khách. Đây cũng là dịp để quảng bá, xây dựng hình ảnh sản phẩm cho làng nghề.

Tại làng nghề gốm sứ nổi tiếng Bát Tràng, ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lượng khách đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng sụt giảm. Nhiều cơ sở sản xuất gặp khó khăn do lượng đơn hàng ngưng trệ, không tiêu thụ được.

Trong những ngày tháng 5 này, không khí sản xuất, kinh doanh đã khác hẳn so với nhiều tháng trước.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại đây đã bắt đầu phục hồi, các nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng đang miệt mài làm việc.

Để giới thiệu các sản phẩm làng nghề đến với bạn bè quốc tế, trong dịp này, Sở Công Thương thành phố Hà Nội cũng đã chủ động triển khai chuỗi các hoạt động, tổ chức hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô năm 2022, trưng bày, giới thiệu và bán quà tặng lưu niệm để du khách biết đến các sản phẩm làng nghề của Hà Nội.

Các sự kiện này đều có sự góp mặt, tham gia của nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Nội để góp phần vào việc quảng bá, giới thiệu, xây dựng hình ảnh cho sản phẩm, quà tặng cũng như thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khẳng định Hà Nội đã tận dụng cơ hội để quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng lưu niệm đến với bạn bè quốc tế.

Cùng với nỗ lực xây dựng sản phẩm mới của các đơn vị kinh doanh, sản xuất hoạt động của các làng nghề góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, giới thiệu, kết nối và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thủ đô và các sản phẩm quà tặng hấp dẫn cho du khách./. 

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục