Hà Nội xây dựng “vùng xanh” đảm bảo sản xuất cung ứng nông sản

Trong thời điểm thực hiện phòng chống COVID-19, các chuỗi sản xuất khép kín của Hà Nội phát huy tác dụng, giúp người nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Hà Nội xây dựng “vùng xanh” đảm bảo sản xuất cung ứng nông sản ảnh 1Hộ nông dân Nguyễn Đức Hiếu ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức thu hoạch rau cải xanh để phục vụ người dân trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hiện nay, do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đang nỗ lực tổ chức sản xuất tại các “vùng xanh” đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng ra thị trường, nhất là từ nay cho đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm tăng cao.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã hướng dẫn người dân xây dựng “vùng xanh,” bảo đảm hoạt động sản xuất.

Cụ thể, mỗi gia đình hằng ngày chỉ để một người ra đồng làm việc; công nhân ở lại các trang trại chăn nuôi vừa làm việc, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Do đó, tăng trưởng của nông nghiệp Hà Nội trong 7 tháng qua đạt hơn 3%.

Cũng theo ông Tạ Văn Tường, trong vụ Đông sắp tới, Hà Nội sẽ gieo trồng 12.932 ha; đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ Đông sớm với khoảng từ 500-600ha.

Về chăn nuôi, Hà Nội duy trì đàn bò 164.000 con, đàn gia cầm 40 triệu con; tiếp tục phát triển đàn lợn lên 1,8 triệu con; đồng thời, tăng diện tích sản xuất thủy sản để đạt sản lượng 120.000 tấn/năm. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội nắm bắt tình hình sản xuất, xây dựng phương án về cung-cầu nông sản, tổ chức các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời…, bảo đảm cung ứng kịp thời cho thị trường.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp xây dựng “vùng xanh” cho nông sản, duy trì tốt hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

[Lần đầu tiên bưởi Phúc Trạch lên gian hàng Việt trực tuyến quốc gia]

Cụ thể, tại các huyện Vùng 2 như Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm… đã chủ động triển khai phương án hoạt động nhằm mục tiêu không để đứt gãy sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh, cho hay việc phân chia khu vực giúp các xã, thị trấn chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn.

Hà Nội xây dựng “vùng xanh” đảm bảo sản xuất cung ứng nông sản ảnh 2Hộ nông dân Nguyễn Đức Hiếu ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức thu hoạch rau cải xanh để phục vụ người dân trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Địa phương còn ổ dịch và có khu công nghiệp, huyện áp dụng biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Các xã “vùng xanh” không có ca mắc COVID-19 phát sinh, thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng các biện pháp cao hơn.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh, tùy theo tình hình dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ áp dụng linh hoạt biện pháp hành chính theo Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc cao hơn Chỉ thị số 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ.

Huyện đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện phương án bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh xem xét các đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh được phép hoặc không được phép hoạt động trong các vùng, phân khu, địa bàn từng xã, thị trấn.

Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, cho biết huyện đã chỉ đạo các đoàn thể trên địa bàn chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, huyện cũng tập trung hướng dẫn người dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường để bảo đảm nguồn cung nông sản cho người tiêu dùng, đặc biệt là vào dịp cuối năm. 

Trong thời điểm thực hiện phòng chống dịch COVID-19, các chuỗi sản xuất khép kín của Hà Nội cũng phát huy tác dụng, giúp người nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho rằng thành phố đã xây dựng được tổng số 141 chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản. Không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế từ 15-20%, các chuỗi liên kết còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.

Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc nông sản có xuất xứ, nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Về phía các doanh nghiệp cung ứng, sản xuất chế biến thực phẩm cũng cho biết, các đơn vị vẫn đảm bảo tối đa năng lực sản xuất và đang đề xuất các cơ quan chức năng tạo điều kiện hơn nữa cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa ra thị trường.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát nhu cầu thị trường, giá vật tư nông nghiệp để kịp thời triển khai các giải pháp không để tăng giá đột biến.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội còn hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã... điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch COVID-19. Đồng thời chủ động cung ứng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội rất chú trọng đến xây dựng “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các loại nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch và thời gian bảo quản ngắn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục