Hạ viện Mỹ kêu gọi bà Clinton ủng hộ dự luật quyền đàm phán nhanh

Chủ tịch Hạ viện Mỹ hối thúc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thuyết phục các nghị sỹ Dân chủ ủng hộ dự luật quyền đàm phán nhanh.
Hạ viện Mỹ kêu gọi bà Clinton ủng hộ dự luật quyền đàm phán nhanh ảnh 1Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một động thái cho thấy Đảng Cộng hòa muốn sớm hoàn tất dự luật về “Quyền thúc đẩy thương mại” (TPA), hay còn gọi là trao đặc quyền đàm phán nhanh cho tổng thống, ngày 3/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đã hối thúc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thuyết phục các nghị sỹ Dân chủ ủng hộ dự luật này.

Phát biểu của Hạ nghị sỹ Boehner trong chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của kênh tin tức NBC cho biết nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nước ngoài, trong đó có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình Dương (TPP), đang gặp trở ngại tại quốc hội do các nghị sỹ Dân chủ phản đối trao cho tổng thống quyền đàm phán nhanh.

Ông cho hay phe Cộng hòa không đủ số phiếu cần thiết theo luật định để thông qua TPA và trao quyền đàm phán nhanh cho tổng thống, do đó ông kêu gọi bà Clinton - ứng cử viên tổng thống năm 2016 và là người có tiếng nói có ảnh hưởng lớn trong Đảng Dân chủ - thuyết phục các nghị sỹ của đảng này.

Quan chức này nhấn mạnh: “Bà Clinton nên can dự. Tôi biết bà ấy ủng hộ cả TPA và TPP, song bà cần phải lên tiếng.”

Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Clinton tới nay vẫn chưa công khai quan điểm của mình đối với TPA hay TPP, dù gần đây bà nói rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng phải có tác dụng “tạo công ăn việc làm, tăng lương, thúc đẩy thịnh vượng và bảo vệ an ninh của đất nước.”

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật sẽ trao cho Tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh để có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của hiệp định TPP với 11 quốc gia đối tác.

Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong hiệp định TPP. Giới phân tích đánh giá giành quyền TPA là một “cuộc chiến” cam go của Nhà Trắng, đồng thời bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ nắm quyền hành pháp.

Trên thực tế, phần lớn những người ủng hộ trao TPA cho tổng thống là các nghị sỹ Cộng hòa, còn những người phản đối lại thuộc Đảng Dân chủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục