Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm tiết giảm lực lượng tại Hàn Quốc

Với tỷ lệ 359 phiếu thuận và 54 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cấp phép quốc phòng, trong đó ngăn cản bất kỳ sự tiết giảm nào đối với quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm tiết giảm lực lượng tại Hàn Quốc ảnh 1Binh sỹ Mỹ tại căn cứ quân sự Yongsan ở Soeul, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Yonhap, ngày 26/7, với tỷ lệ 359 phiếu thuận và 54 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cấp phép quốc phòng (NDAA), trong đó ngăn cản bất kỳ sự tiết giảm nào đối với quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Dự luật nói trên phê chuẩn khoản ngân sách trị giá 716 tỷ USD cho quốc phòng trong tài khóa 2019. Dự luật nhấn mạnh rằng khoảng 28.500 lính Mỹ hiện đồn trú tại Hàn Quốc là một bằng chứng về cam kết của Mỹ đối với mối quan hệ đồng minh song phương.

Trong đoạn mô tả quan điểm của Thượng viện Mỹ về các lực lượng quân sự của nước này trên Bán đảo Triều Tiên, dự luật nêu rõ rằng việc xóa bỏ đáng kể lực lượng này là điều không thể thương lượng trong bối cảnh lực lượng này có liên quan tới việc phi hạt nhân quá hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược của Triều Tiên.

[Giới chức Hàn Quốc cảnh báo hậu quả nếu Mỹ rút quân]

Trong một báo cáo cuộc họp đi kèm dự luật trên, Quốc hội Mỹ cũng ngăn cấm việc sử dụng các khoản ngân quỹ nhằm giảm quân số của lực lượng này xuống dưới mức 22.000 người mà không có sự cho phép của Bộ trưởng Quốc phòng, để "một sự tiết giảm như vậy vẫn đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và sẽ không phá hoại đáng kể an ninh của các đồng minh trong khu vực."

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng có trách nhiệm phải đảm bảo rằng đã "tiến hành tham vấn một cách phù hợp với các đồng minh của Mỹ, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản về việc tiết giảm như vậy."

Việc ngăn cấm nói trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tỏ ý sẵn sàng rút các lực lượng của Mỹ khỏi Hàn Quốc. Các nhà phê bình cho rằng một hành động như vậy sẽ khiến Trung Quốc và Triều Tiên hưởng lợi, vì hai nước này luôn mong muốn quân đội Mỹ tránh xa biên giới của họ.

Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật này sẽ được gửi tới Tổng thống Trump ký ban hành thành luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục