Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trợ cấp thất nghiệp

Hạ viện Mỹ ngày 1/7 đã thông qua dự luật về việc kéo dài các khoản trợ cấp đối với những người thất nghiệp trong thời gian dài.
Hạ viện Mỹ ngày 1/7, với tỷ lệ phiếu ủng hộ 270-153, đã thông qua một dự luật về việc kéo dài các trợ cấp thất nghiệp đối với những người thất nghiệp trong thời gian dài.

Có 11 nghị sỹ đảng Dân chủ đại diện cho các khu vực có tỷ lệ thất nghiệp thấp phản đối dự luật, trong khi đó có 29 nghị sỹ Cộng hòa đối lập bỏ phiếu ủng hộ.

Dự luật này nhằm mục đích phục hồi các lợi ích đối với hơn 1 triệu người mà các khoản trợ cấp hết hạn vào đầu tháng Sáu, theo đó kéo dài các chương trình trợ cấp thất nghiệp liên bang đến tháng 11 và phục hồi các lợi ích đối với những người đủ điều kiện.

Các nhà phân tích cho rằng dự luật này sẽ gặp khó khăn đối với việc thông qua tại Thượng viện Mỹ. Từ trước đến nay, Thượng viện Mỹ đã đôi lần bác bỏ các nỗ lực kéo dài trợ cấp thất nghiệp trong bối cảnh có những lo ngại về thâm hụt ngân sách kỷ lục.

Trong khi đó, những nghị sỹ Cộng hòa đối lập phản đối dự luật cho rằng chi phí 34 tỷ USD cần phải được lấy từ các khoản tiền chưa chi tiêu của chương trình kích thích kinh tế năm ngoái.

Bộ Lao động Mỹ cho biết các đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã tăng thêm 13.000 lên con số 472.000. Trước đó, các nhà phân tích kinh tế dự báo con số này sẽ giảm xuống 452.000.

Một bức tranh rõ nét hơn về thực trạng thị trường việc làm ở Mỹ sẽ được công bố vào ngày 2/7 trong báo cáo việc làm tháng Sáu.

Mức thâm hụt ngân sách trị giá 1.400 tỷ USD và món nợ 13.000 tỷ đang trở thành những vấn đề chính trong cuộc chạy đua tới các cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới mà đảng Cộng hòa đang hy vọng sẽ giành lại được quyền kiểm soát Quốc hội.

Hiện nay đảng Dân chủ vẫn thiếu một phiếu để đủ mức 60 phiếu cần thiết trong tổng số 100 thành viên Thượng viện để thúc đẩy việc thông qua dự luật.

Hai nghị sỹ Cộng hòa là Susan Collins và Olympia Snowe ủng hộ các nỗ lực của đảng Dân chủ, trong khi đó một thành viên của chính đảng này Ben Nelson lại phản đối./.

Khắc Hiếu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục