Hạ viện Romania thông qua dự luật cải cách tư pháp gây tranh cãi

Dự luật này gồm có nội dung cải cách toàn bộ hệ thống tư pháp và hạn chế quyền lực của Cơ quan chống tham nhũng quốc gia (DNA), cũng như ngăn cản cơ quan này tiến hành điều tra các quan chức.
Hạ viện Romania thông qua dự luật cải cách tư pháp gây tranh cãi ảnh 1Người dân tham gia tuần hành phản đối cải cách tư pháp ở Bucharest, Romania ngày 26/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với 177 phiếu thuận và 79 phiếu chống, Hạ viện Romania ngày 13/12 đã thông qua dự luật cải cách gây tranh cãi mà phe đối lập cho là có nguy cơ hạn chế tính độc lập của ngành tư pháp và làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng của nước này.

Những cải cách do đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền đề xuất này cần phải được Thượng viện Romania thông qua.

Kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp của Chính phủ Romania đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân trong nhiều tuần qua khi hàng nghìn người biểu tình đã bất chấp giá lạnh đổ ra khắp các đường phố trên cả nước đòi rút lại dự luật cải cách tư pháp.


[Romania: Hơn 10.000 người dân biểu tình phản đối cải cách tư pháp]

Dự luật này gồm có nội dung cải cách toàn bộ hệ thống tư pháp và hạn chế quyền lực của Cơ quan chống tham nhũng quốc gia (DNA), cũng như ngăn cản cơ quan này tiến hành điều tra các quan chức.

Theo những người biểu tình, những sửa đổi theo dự luật sẽ làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng, không trao quyền cho tổng thống chỉ định các công tố viên cao cấp. Thậm chí, các ý kiến phản đối còn cho rằng việc sửa đổi dự luật có mục tiêu duy nhất là bảo vệ các nhà lãnh đạo tham nhũng.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng cho rằng những cải cách mà Chính phủ Romania đưa ra sẽ là bước thụt lùi trong cuộc chiến chống tham nhũng, điều mà EU vẫn quan ngại trong suốt 10 năm qua kể từ khi Romania gia nhập liên minh này.

Những thay đổi về tài chính và tư pháp đã chi phối chương trình nghị sự của đảng PSD từ khi lên cầm quyền vào tháng 12/2016. Hồi tháng trước, một kế hoạch cải tổ tài chính cũng đã được thông qua theo hướng cắt giảm thuế an sinh xã hội và thuế thu nhập nhưng lại chuyển gánh nặng sau cùng hoàn toàn cho người lao động, đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các nhà đầu tư và các nghiệp đoàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục