Hạ viện Séc bác bỏ việc sáp nhập Crimea vào Nga

Hạ nghị viện Cộng hòa Séc đã thông qua nghị quyết bác bỏ việc “sáp nhập bằng vũ lực” bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào Liên bang Nga.
Hạ viện Séc bác bỏ việc sáp nhập Crimea vào Nga ảnh 1Hạ viện Séc bác bỏ việc sáp nhập Crimea vào Nga.

Ngày 25/3, Hạ nghị viện Cộng hòa Séc đã thông qua nghị quyết bác bỏ việc “sáp nhập bằng vũ lực” bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào Liên bang Nga. Nghị quyết nêu rõ đây là sự “vi phạm luật pháp quốc tế.”

Trong số 179 nghị sỹ có mặt tại phiên họp của Hạ viện có 121 nghị sỹ bỏ phiếu thuận cho nghị quyết, gồm đại diện của liên minh cầm quyền (Đảng Dân chủ Xã hội, phong trào ANO, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo) và các đại biểu của phong trào TOP 09, Đảng Dân chủ Công dân.

Chỉ có 16 nghị sỹ cộng sản và một đại diện của phong trào Bình minh Dân chủ trực tiếp bỏ phiếu chống.

Các hạ nghị sỹ cũng ủng hộ Chính phủ Séc trong việc phối hợp hành động cùng với các nước thành viên khác của EU và NATO về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên Hạ nghị viện yêu cầu Chính phủ Séc trong các cơ cấu của EU không cố đạt được sự cấm vận kinh tế đối với Nga.

Hạ nghị viện không chấp thuận đề xuất của nghị sỹ Ivan Gabal (Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo) bổ sung ngân sách quốc phòng và mua sắm thêm vũ khí với lý do “tình hình chính trị ở châu Âu xấu đi nghiêm trọng” sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea.

Nghị sỹ Gabal cho rằng cần phải tăng tỷ trọng ngân sách quốc phòng trong GDP của Séc từ 1,08% , tức 42 tỷ curon (khoảng 2,1 tỷ USD) vào năm 2014 lên 1,3% vào năm 2015 và 2% vào năm 2017.

Các nghị sỹ kêu gọi Chính phủ Séc ủng hộ đề nghị của Chủ tịch Hạ nghị viện Jan Hamáček quan tâm đến tình trạng của người Ukraine gốc Séc muốn hồi hương.

Ông Hamáček cho biết, kiều bào ở tỉnh Zhitomir thuộc Ukraine đang thất vọng khi nghe tin Chính phủ Séc không tạo điều kiện để họ hồi hương.

Đáp lại, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka (Đảng Dân chủ Xã hội Séc) khẳng định rằng Bộ Ngoại giao nhận được thông tin cho biết người Séc tại Ukraine không bị đe dọa trực tiếp từ cuộc khủng hoảng ở nước này.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Sobotka, Chính phủ Séc sẽ vẫn giữ mối tiếp xúc với kiều bào ở Ukraine và tiếp tục theo dõi tình hình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục