Hacker “nhắm” vào các cơ quan nhà nước

Tội phạm mạng hiện tăng về số lượng và ngày càng tinh vi nên việc bảo đảm an toàn thông tin chính phủ điện tử rất bức thiết.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cảnh báo, tội phạm mạng hiện nay tăng về số lượng, quy mô và hoạt động ngày càng tinh vi.

Bởi thế, để chính phủ điện tử hoạt động tốt, phát huy hiệu quả đề ra, việc bảo đảm an toàn thông tin là vô cùng quan trọng.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Bảo đảm an toàn thông tin chính phủ điện tử được tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, việc bảo đảm tính an toàn thông tin hiện nay là một vấn đề bức xúc. Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, thuộc Bộ Thông tin Truyền thông) nói, các mối đe dọa chính phủ điện tử là hiện hữu và có chiếu hướng gia tăng.

Thực tế tin tặc (hacker) đã “nhắm” vào cơ quan Nhà nước. Ông Trác đưa ra ví dụ về việc website của Sở Quy họach Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế bị hack vào năm 2005, website Sở Giao thông thành phố Hồ Chí Minh bị hack năm 2007…

Việc bị tấn công không chỉ khiến thông tin bị đình trệ mà còn gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế,  cũng như đến uy tín của nhà quản lý.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Lê Mạnh Hà bổ sung, cổng thông tin của thành phố này đã bị tin tặc tấn công vào ngày 12/6/2009.

Đến ngày 23/6, sau nhiều nỗ lực, các chuyên gia đã tạm thời khắc phục sự cố. Song, hiện tại vẫn còn dấu hiệu tấn công từ bên ngoài. Nhiều lỗ hổng của cổng thông tin này vẫn chưa được khắc phục, công việc quản trị chưa đảm bảo.

Ông Hà cũng nói, yếu điểm khi bị tin tặc tấn công trong trường hợp này là do không có lực lượng phản ứng nhanh, ứng cứu kịp thời nên việc khắc phục còn chậm trễ. Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân không thường xuyên giám sát, nhận thức còn thấp và chưa áp dụng đầy đủ chính sách đã được ban hành…

Và nhiều nguy cơ…

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thế (Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam) thì nói, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngoài hacker còn kể đến các lỗi, hỏng của phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, thông tin bị sửa đổi, sao chép bất hợp pháp, thiết bị mạng, máy tính…

Đó là chưa kể đến mối nguy cơ về nhân viên vận hành hệ thống, người sử dụng không có quy chế làm việc, không được đào tạo, hướng dẫn sử dụng…

Ở mỗi nguyên nhân, Tiến sĩ Thế đều đưa ra những giải pháp như đào tạo con người, thiết lập tường lửa bảo vệ, sử dụng các chương trình diệt virut…

Ngoài ra, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế cũng đưa ra các giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin cho chính phủ điện tử. Đó là việc phải xây dựng Trung tâm kỹ thuật an toàn mạng quốc gia, Trung tâm kiểm thử các giải pháp công nghệ thông tin… Qua đó, các nhà quản lý sẽ có thêm những lựa chọn để ứng dụng trong việc triển khai chính phủ điện tử trong tương lai./.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục