Mang cổ tích vào đời

Hai cô gái mang cổ tích búp bê vào đời thường

Mỗi con búp bê lại mang những nét mặt đáng yêu khác nhau, nụ cười, ánh mắt mỗi con một vẻ nhờ những nét bút mềm mại, khéo léo.
Khởi nguồn là sở thích riêng, hai nữ sinh viên đâu ngờ, niềm say mê búp bê giấy của họ lại trở thành một ý tưởng kinh doanh đầy triển vọng.

Gặp Thùy Dương và Hà Vân trong khu tập thể 16A Lý Nam Đế, Hà Nội trong một ngày lạnh giá đầu đông. Nhìn hai cô gái tỉ mỉ, nắn nót từng chi tiết cho bộ trang phục của búp bê và lắng nghe câu chuyện về búp bê và ước mơ của hai cô gái, tôi có cảm tưởng như được sống lại trong một thế giới cổ tích.

Từ đam mê lạ...

Cùng sinh một năm, là bạn học từ thủa cấp 2, Thùy Dương (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) và Hà Vân (Đại học Ngân Hàng) cùng có sở thích làm những đồ thủ công xinh xắn như thiệp, nơ trang trí trong nhà, và đặc biệt, cả hai đều say mê những con búp bê.

Như cơ duyên, một ngày Dương và Vân được một chị bạn học Đại học Mỹ thuật dạy cách tạo khung cơ bản cho búp bê bằng dây điện. Niềm say mê được chắp cánh, hai cô gái say sưa, khéo léo tạo nên một thế giới búp bê giấy đầy sống động.

Mỗi con búp bê của họ lại mang những nét mặt đáng yêu khác nhau, nụ cười, ánh mắt mỗi con một vẻ - cái hồn đó được tạo nên từ những nét bút mềm mại, khéo léo của Dương và Vân. Thế rồi, những con búp bê của họ lọt vào mắt bạn bè và người quen, nhiều người tỏ ra rất thích thú và ngỏ ý muốn mua.

Điều này khơi dậy trong Dương và Vân ý tưởng kinh doanh - biến những con búp bê giấy được làm bằng tay thành một mặt hàng thủ công có chỗ đứng trong thị trường đồ lưu niệm.

Có lẽ cũng vì sự đáng yêu đến sinh động của thế giới búp bê giấy - điều ngày càng khó tìm trong đời sống hiện đại - mà ý tưởng kinh doanh của hai bạn trẻ được đón nhận nhanh chóng.

Cứ vào mỗi dịp lễ hội, Dương và Vân lại thuê một gian hàng nhỏ để giới thiệu và bán sản phẩm lưu niệm của mình. Do đó búp bê giấy ngày càng được nhiều người biết đến hơn.

Tiến xa hơn, hai cô chủ trẻ đã thiết lập trang web với tên gọi website:bupbegiay.com để không chỉ quảng bá cho sản phẩm của mình mà còn giúp khách hàng xem mẫu búp bê, chọn lựa và đặt hàng theo yêu cầu.

… Tới hàng độc

Như bất cứ mặt hàng thủ công nào khác, làm búp bê giấy không hề đơn giản. Dương chia sẻ, làm những con búp bê bằng giấy ngoài sự yêu thích còn đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn, khéo léo, bởi tất cả các chi tiết của búp bê đều làm bằng tay.

Để làm được một con búp bê bằng giấy, phải mất từ 4-5 tiếng. Điều khiến hai bạn trăn trở nhiều nhất chính là làm sao để tạo nên sức hấp dẫn cho các sản phẩm của mình.

Hiện nay, Dương và Vân đang tìm nguyên liệu mới để tạo các kiểu trang phục sinh động cho búp bê và dễ tạo kiểu hơn. Vào mỗi dịp lễ, hai cô gái đều cho ra những mẫu búp bê phù hợp. Bạn có thể tìm được đôi cô dâu, chú rể để làm quà cưới, hoặc đôi búp bê tình nhân cho ngày Valentine…

Cùng một loại búp bê nhưng búp bê được tạo ra từ Vân hoặc Dương cũng mang phong cách hoàn toàn khác nhau. Nên chỉ khi có khách đặt hàng gấp họ mới “sản xuất” theo khâu. Còn hầu hết là mỗi người tự làm từ A đến Z để tạo sự mới mẻ.

Hiện tại Dương và Vân đang tìm tòi tạo các mẫu Kimono, Hanbook, áo dài, các trang phục dân tộc… để đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của khách hàng. Khi đã xác định tìm chỗ đứng trên thị trường đồ lưu niệm, cả hai cô sinh viên đều hiểu rằng, chỉ niềm đam mê hay sáng tạo thôi chưa đủ, mà cần phải nhập cuộc một cách chuyên nghiệp.

Dương và Vân có lợi thế đang học tài chính và kinh doanh nên có điều kiện ứng dụng những kiến thức học được vào thực tế kinh doanh của mình. Điều đó giúp họ sớm định hướng được con đường kinh doanh.

Dương và Vân cho biết, họ rất bất ngờ bởi khách hàng tìm đến những con búp bê rất đa dạng. Có thể là những cô gái cùng lứa tuổi như hai cô, nhưng cũng có cả những người đàn ông, những người phụ nữ ở độ tuổi trung niên.

Đa dạng khách hàng cũng đồng nghĩa với đa dạng về nhu cầu. Một điều khiến cả Dương và Vân được động viên rất nhiều là sản phẩm của các cô đã tìm được chỗ đứng ở nhiều vùng miền trên cả nước.

Không chỉ nhận được những đơn đặt hàng trong nước, không chỉ nhiều lần “bán buôn”, mà búp bê giấy của họ đã nhận được hai đơn đặt hàng từ Ý và Pháp.

Trong một dịp tình cờ, một khách hàng nước ngoài nhìn thấy búp bê của hai cô bày trong một nhà hàng, người này đã tìm đến tận nhà các cô để đặt hàng.

Chắp cánh ước mơ

Dương cho tôi xem cuốn cataloge búp bê giấy tuy còn dang dở, nhưng cũng đã khá phong phú. Dương và Vân hào hứng cho biết, đang tính đến việc mở một địa điểm để bán sản phẩm của mình.

Điều lý thú là, địa điểm mà các cô lựa chọn sẽ không phải một cửa hàng thông thường mà là một quán càphê mang phong cách búp bê.

Cả hai hạ quyết tâm, cuối năm 2010, cà phê Búp bê sẽ chính thức trình làng. Dương và Vân cũng quyết định đăng ký thương hiệu độc quyền cho những con búp bê giấy của mình vào tháng 12.

Hai cô gái trẻ ước mong những con búp bê “handmade” sẽ là một sản phẩm trang trí độc đáo, sẽ trở thành một thương hiệu có tên tuổi trong làng thủ công vốn đã rất đa dạng của Việt Nam.

Khi ấy những con búp bê Trung Quốc vốn tràn ngập thị trường nội địa hiện nay có lẽ sẽ phải biết đến sự hiện diện đầy tinh tế của những sản phẩm thủ công của người Việt Nam./.
 
Bài viết này được đăng theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh Nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh Nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục