Hải Dương đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái ở Đảo Cò

Đảo Cò Hải Dương có tới hơn 15.000 con cò và các loài chim quý hiếm khác, với nét đẹp thanh bình tiêu biểu của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn du khách.
Hải Dương đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái ở Đảo Cò ảnh 1

Là một trong những danh thắng đặc sắc của tỉnh Hải Dương, nhưng phát triển du lịch ở Đảo Cò (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện) lại chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Lãnh đạo địa phương cho biết, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch Đảo Cò, sẽ tăng cường quảng bá, phát triển dịch vụ, kết nối các điểm đến… để nơi đây trở thành một địa chỉ thưởng ngoạn hấp dẫn ngày càng nhiều du khách.

Cảnh quan độc đáo

Khu danh thắng Đảo Cò thuộc thôn An Dương và thôn Triều Dương có diện tích 67 ha. Tâm điểm của hồ là Đảo Cò với diện tích 7.324m2 trong lòng hồ An Dương 2,8ha và một đảo mới hình thành từ khi di dời 7 hộ dân vào năm 2007 là 3,5ha.

Theo lưu truyền, xưa kia vùng Chi Lăng Nam là vùng ruộng trũng, ngập nước, ba trận lũ lớn vào thời Nguyễn làm vỡ đê sông Luộc đã tạo thành vực sâu, nay là hồ Triều Dương và An Dương.

Người dân trong xã kể rằng, cò về cư ngụ trên đảo từ hàng trăm năm nay. Trước năm 1990, người dân còn bắt, bẫy, xua đuổi cò nhưng từ năm 1990 đến nay, khi được công nhận là khu du lịch sinh thái, Đảo Cò được đón nhiều đoàn nhà khoa học đến nghiên cứu, người dân trong xã cũng được tập huấn hàng trăm buổi nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên. Bởi vậy, việc săn bắn, tiêu diệt cò đã chấm dứt.

Khoảng 5 năm trở lại đây, cò vạc về ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chi Lăng Nam cho biết, trước đây cò, vạc chỉ về theo mùa thì nay cò, vạc về quanh năm.

Các nhà khoa học nhận định đây là khu dự trữ thiên nhiên có mức độ đa dạng sinh học lớn và được bảo tồn gần như nguyên vẹn ở khu vực miền Bắc.

Theo thống kê mới nhất, thường xuyên có trên 15.000 con cò gồm 9 loài như cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ruồi, cò đen, cò hương, cò nghênh, cò ngang, diệc và còn trên dưới 5.000 con vạc cùng một số loài chim quý hiếm như bồ nông, mòng két, le le, cú mèo… về đây trú ngụ.

Một điều kiện thuận lợi khác là trong lòng hồ còn có nhiều loại cá tôm..., là nguồn thức ăn dồi dào cho các loại cò.

Sự hài hòa của cảnh vật với mặt nước xanh, những ngôi nhà nhỏ xinh ẩn hiện thấp thoáng sau những vườn cây, các công trình đình chùa, đền miếu, khiến Đảo Cò trở thành một nét tiêu biểu cho cảnh sắc thanh bình của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ - một điểm tham quan lý tưởng.

Khu danh thắng Đảo Cò nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 71km và cách thành phố Hải Dương 30,5km về phía Nam.

Theo Phòng văn hóa thông tin huyện Thanh Miện, mỗi năm nơi này thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tới tham quan. Tuy vậy, du khách chủ yếu chỉ ghé những ngày nghỉ lễ lớn hoặc cuối tuần.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, việc quảng bá sản phẩm du lịch chưa tốt nên chưa đóng góp đáng kể cho việc cải thiện đời sống người dân địa phương.

Điều chỉnh quy hoạch, thu hút đầu tư

Tháng 7/2014, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia cho danh lam thắng cảnh Đảo Cò.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Đảo Cò từ năm 2009 với tổng diện tích quy hoạch là 67,1ha.

Qua gần 5 năm, việc triển khai quy hoạch đã góp phần làm thay đổi diện mạo nơi đây, như Trung tâm giáo dục môi trường thu hút nhiều học sinh, sinh viên về ngoại khóa hoặc nghiên cứu, có bãi đỗ xe, bến thuyền, cây trên đảo được trồng bổ sung mới hàng năm, việc chống xói mòn đảo cũng được thực hiện nhằm bảo vệ không gian trú ngụ cho cò, vạc…

Do ngân sách địa phương hạn hẹp, việc kè các đảo cũng như việc tạo các dịch vụ đi kèm nhằm phát triển du lịch đang là một thách thức với huyện Thanh Miện.

“Theo tính toán, cần phải có khoảng 22 tỷ đồng để hoàn thiện kè hai đảo. Chúng tôi rất mong được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ kinh phí,” ông Đinh Thế Chiêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Miện bày tỏ.

Trước thực tế số lượng cò, vạc về trú ngụ ngày càng nhiều, mật độ cao, trong khi diện tích các đảo lại ngày càng bị thu hẹp, huyện Thanh Miện cho biết đang xin ý kiến của tỉnh về việc dời thêm khoảng 10 hộ dân nhằm tạo không gian cho cò về.

Kinh phí để di dời ước tính khoảng 10 tỷ đồng. Để phù hợp với thực tế hiện nay, lãnh đạo huyện Thanh Miện cũng đang tính đến phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về khu sinh thái Đảo Cò.

Theo đó, quy hoạch sẽ dành diện tích hợp lý cho việc xây khách sạn, nhà hàng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu du ngoạn danh thắng của khách tham quan.

Nhận thức được vai trò của chất lượng dịch vụ du lịch, một trong những yếu tố quyết định để giữ chân du khách, ông Đinh Thế Chiêu thông tin thêm, huyện đang có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị miễn tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp có ý định đầu tư về dịch vụ du lịch ở Đảo Cò.

Nếu được phê duyệt, đây có thể là một tín hiệu tích cực góp phần thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch ở địa phương.

Tăng cường du lịch cộng đồng

Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chi Lăng Nam cho biết, thời gian tới, tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng nhằm thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào hoạt động phát triển du lịch.

Theo ông Lê Văn Huy, thành viên Ban Quản lý khu du lịch Đảo Cò, mặc dù đã triển khai được hơn 1 năm nhưng người dân vẫn chưa mặn mà với loại hình mới này.

Nếu người dân được tập huấn tốt hơn, song song với việc quảng bá về danh thắng Đảo Cò triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả hơn, chắc chắn du lịch cộng đồng tại Chi Lăng Nam sẽ phát triển, đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân.

Để góp phần quảng bá những giá trị độc đáo của điểm du lịch sinh thái này, huyện Thanh Miện cũng đã có phương án tới đây sẽ tuyển hướng dẫn viên du lịch để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách khi về với Đảo Cò.

Bên cạnh đó, để thu hút du khách, việc kết nối Đảo Cò với các điểm đến là di tích, danh thắng, làng nghề ở vùng lân cận cũng là một nội dung được ngành du lịch Hải Dương nói chung và chính quyền địa phương quan tâm hơn trong thời gian tới.

Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Hải Dương đã khảo sát và xây dựng một số tour du lịch liên quan giới thiệu cho các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh, thành phố để giới thiệu cho du khách. Trong đó, Đảo Cò sẽ là một trong nhiều điểm đến, cùng với các di tích Đình Đông và Nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Đền Tranh, làng Múa rối nước Hồng Phong; Đền thờ Khúc Thừa Dụ, làng nghề bánh gai Ninh Giang.

Với mục tiêu lâu dài là khai thác có hiệu quả khu danh thắng Đảo Cò một cách bền vững, chính quyền xã cùng Ban quản lý di tích sẽ tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân địa phương cũng như du khách trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nơi đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục