Hải Dương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công

Ngành ngân hàng tại Hải Dương kết nối với hầu hết các đơn vị cung ứng dịch vụ công để có thể hỗ trợ khách hàng thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, viễn thông nhanh chóng không dùng đến tiền mặt.
Hải Dương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. (Nguồn: haiduong.gov.vn)

Với nhiều lợi ích xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng hiện nay của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Sáng 27/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh hiện có 296 ATM tại 12 huyện, thị xã, thành phố. Các ngân hàng thương mại chủ động lắp đặt, sắp xếp mạng lưới ATM đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng, đặc biệt quan tâm tới việc đảm bảo an toàn, bảo mật cho ATM.

Về hệ thống POS, hiện có 896 POS được lắp đặt tại các trung tâm mua sắm, các nhà hàng, khách sạn, các điểm bán lẻ hàng hóa, các khu du lịch, các trung tâm giáo dục... phục vụ cho nhu cầu thanh toán thẻ của các chủ thẻ trong và ngoài nước.

Các dịch vụ ngân hàng điện tử có tổng số các thẻ Ngân hàng đã phát hành khoảng 2,2 triệu thẻ. Đây là kênh giao dịch tài chính cho các đối tượng khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp, giúp khách hàng chủ động nguồn tài chính mọi lúc, mọi nơi.

[Thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công: Tiết giảm chi phí]

Hiện nay, hạ tầng thanh toán của ngân hàng được đánh giá là khá hoàn thiện, có thể đáp ứng được tốt nhất nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, ngành ngân hàng đã kết nối với hầu hết các ngành quan trọng, nhất là các đơn vị cung ứng dịch vụ công, như chủ động phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Hải Dương, Viettel Hải Dương... vận động khách hàng thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, viễn thông... qua các kênh giao dịch của ngân hàng...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vương Đức Sáng nhấn mạnh về việc thanh toán không dùng tiền mặt là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ATM và máy POS bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn.

Bên cạnh đó, cần phát triển thêm các sản phẩm thẻ ngân hàng đa dạng nhằm thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường…

Thủ trưởng các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các đơn vị cung ứng dịch vụ công, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao hơn nữa hiệu quả thanh toán không dùng đối với dịch vụ công.

Theo báo cáo "Số hóa tiền mặt tại ASEAN - Ý nghĩa đối với các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai" do Ngân hàng Standard Chartered công bố tháng 5/2019, tỷ lệ người dân (từ 15 tuổi trở lên) ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ ATM khá thấp so với các nước trong khu vực.

Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam chỉ đạt 30,8%, trong khi tỷ lệ khách hàng chọn trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến lên tới 90,17% .

Thói quen sử dụng tiền mặt đang là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Do đó, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cần có lộ trình, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, cũng như cần có thời gian để từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc chuyển đổi hình thức thanh toán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục