Hai hồ sơ của Việt Nam đăng ký công nhận Di sản tư liệu

"Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" và "Mộc bản trường học Phúc Giang" là 2 hồ sơ của Việt Nam đăng ký công nhận là Di sản tư liệu chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hai hồ sơ của Việt Nam đăng ký công nhận Di sản tư liệu ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 18/5, Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) đã diễn ra tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Hội nghị do Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức.

Dự hội nghị có các đại biểu quốc tế đến từ 16 nước trong khu vực, đại diện các Ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương của Việt Nam có di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được công nhận.

Ông Lý Minh Hoa, Chủ tịch Ủy ban Di sản Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng các vị ủy viên Ban Chấp hành MOWCAP và bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tham dự và chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết Việt Nam là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời và nền văn hóa đa dạng, phong phú. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và đề cao văn hóa, xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội và phát triển con người.

Bà Liên cho biết sau 40 năm trở thành thành viên của UNESCO, Việt Nam đã có 8 di sản vật thể, 10 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh.

Chính phủ Việt nam đánh giá cao vai trò của UNESCO trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng các quốc gia dân tộc trên thế giới để bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống, trong đó có sáng kiến lập Ủy ban Di sản ký ức thế giới từ năm 1992, để công nhận và bảo vệ các di sản tư liệu quý giá có nguy cơ bị hủy hoại do chiến tranh, thiên tai, sự khác biệt về địa lý, tôn giáo và những yếu tố khác.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những hoạt động tích cực của Ủy ban Di sản ký ức thế giới đã đem lại những kết quả to lớn.

Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại thành phố Huế, nơi có 2 di sản thế giới đã được UNESCO công nhận (Quần thể di tích Cố đô Huế năm 1993 và Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế năm 2003) là dịp để Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trực tiếp tìm hiểu, thưởng thức các giá trị của văn hóa Việt Nam, thông qua đó hiểu được những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các di sản văn hoá truyền thống.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, MOWCAP tiếp tục xem xét đánh giá các chương trình hoạt động được thông qua tại hội nghị toàn thể trước đó; giới thiệu và hướng dẫn thực hiện khuyến nghị của UNESCO về di sản tư liệu; xem xét lại bộ hướng dẫn về Chương trình Ký ức thế giới và Bảo vệ Di sản tư liệu; bàn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời lựa chọn, công bố những bộ sưu tập tài liệu tiêu biểu, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, phù hợp với các tiêu chí đã đề ra vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của châu Á-Thái Bình Dương.

Tại hội nghị lần này, MOWCAP cũng xem xét 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương để công nhận năm 2016; trong đó có 2 hồ sơ của Việt Nam đăng ký là "Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" và hồ sơ "Mộc bản trường học Phúc Giang."

Hội nghị làm việc đến hết ngày 21/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục