Hãi hùng người dân "sống chung" với bầy hổ

Người dân sống sát trại nuôi hổ của Công ty Bia Thái Bình Dương hàng ngày rất sợ hãi, căng thẳng khi phải nghe tiếng  hổ gầm.
Sau vụ hổ ở Khu du lịch Đại Nam cắn chết một nhân viên, phóng viên TTXVN tại Bình Dương đã vào cuộc tìm hiểu các trại nuôi hổ trên địa bàn tỉnh, mới hay có nhiều lần hổ ở các trại nuôi này đã sổng chuồng, thậm chí hổ còn chạy vào nhà dân.

Trại nuôi hổ có quy mô lớn với 31 con hổ của Công ty Bia Thái Bình Dương ở ấp Nội Hóa I, xã An Bình, huyện Dĩ An, nằm giữa khu dân cư đông đúc, cửa chuồng đóng kín im lìm. Khi tiến sát bên vách tường, nhiều người không khỏi thót tim khi nghe tiếng hổ gầm rú.

Các hộ dân sống xunh quanh trại nuôi hổ Công ty Bia Thái Bình Dương cho biết, sau khi nghe thông tin con hổ Khu du lịch Đại Nam nhảy khỏi chuồng cắn chết người, cả khu dân cư Nội Hóa I, xã Bình An, đêm ngày lo sợ đàn hổ dữ của ông Ngô Duy Tân đang nuôi cũng có thể sổng chuồn bất cứ lúc nào.

Nhà ông Lê Thanh Thiều nằm sát bên bức tường rào chuồng nuôi hổ của Công ty Bia Thái Bình Dương. Ông Thiều nhớ lại sự kinh hãi cách đây 3 năm về trước. Lúc đó khoảng 4 - 5 giờ chiều, một con hổ to 50 - 60kg đã nhảy vọt qua hàng rào chạy thẳng vào sân nhà ông. Mọi người trong nhà cả người lớn và trẻ em hoảng loạn la lên và kêu nhau chạy vào nhà đóng cửa lại.

Ông Thiều vẫn còn thảng thốt nhớ lại: "Con hổ cứ ve vởn trong sân, tôi sợ quá báo cho Công ty Thái Bình Dương. Lúc đó, anh Vệ nhân viên nuôi hổ mới chạy qua tìm cách xua đuổi con hổ chạy về chuồng".

Ông Thiều cho biết thêm, cách đây mấy năm, khi mới đưa hổ về nuôi, ông Tân chưa kịp xây hàng rào cao mà chỉ dùng hàng cây dâm bụt trồng để ngăn đàn hổ. Sau khi con hổ sổng chuồng chạy sang khu vực nhà dân, chính quyền xã Bình An xuống kiểm tra và yêu cầu ông Tân xây tường rào cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Chiên sống trong căn nhà có tường rào rất cao, song bà cho biết hàng ngày vẫn “sợ xanh da” khi đàn hổ của ông Tân nuôi bên cạnh nhà gầm rú. Vào mùa động dục, đàn hổ gầm rú suốt ngày, cao điểm là lúc 4 - 5 giờ sáng hổ kêu rất dữ dội khiến người dân luôn sống trong thất thỏm lo âu.

Bà Chiên kể: "Mỗi lần trời chuyển mưa, cả đàn hổ kêu rú và từ chuồng tỏa ra mùi hôi thối rất khó chịu. Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền việc nuôi hổ của ông Tân trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường cần chấn chỉnh, nhưng sự việc vẫn như cũ”.

Năm 2007, sau khi ở Bình Dương rộ lên chuyện các “đại gia” nuôi hổ, 4 trại được nuôi thí điểm gồm: Khu du lịch Đại Nam, Công ty Bia Thái Bình Dương, Khu du lịch Thanh Cảnh và trại nuôi hổ Huỳnh Phi Ngọc. Nhưng sau khi bị hổ sổng chuồng, trại nuôi hổ Huỳnh Phi Ngọc đã tặng đàn hổ cho Khu du lịch Đại Nam nên đến nay Bình Dương chỉ còn lại 3 trại nuôi thí điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục