Danh hài Bắc... "hết thời"

Hài kịch Bắc: Khi thời của các danh hài đã "chết"

Theo NSND Lê Hùng, các show diễn hài của các danh hài đã "chết," đến lúc hài kịch phía Bắc cần có hướng đi mới theo hướng chuyên nghiệp.
Để hài kịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, Nhà hát Tuổi trẻ, một nhà hát mà tên tuổi luôn gắn với những chương trình hài nổi tiếng như "Đời cười," "Phố cười"... mới đây đã mời nghệ sĩ Tiến Dũng (nghệ danh vui là Dũng Kâm) về làm Trưởng phòng “Khán giả và tương lai,” chuyên nghiên cứu tương lai sân khấu để có thể biết được 3 năm, 5 năm hay thậm chí nhiều hơn nữa, khán giả muốn xem gì?

Thời của show diễn các danh hài đã chết

Nhận định về hài kịch phía Bắc, NSND Lê Hùng - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam đã rất thẳng thắn: "Sau một thời gian dài theo một lối biểu diễn thì có thể khẳng định các show diễn hài của các danh hài đã 'chết'. Cách làm mỗi  người diễn một kiểu rồi phối hợp lại bán vé đã không còn ăn thua. Đã đến lúc hài kịch cần có hướng đi mới".

Cùng quan điểm trên, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn - người nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh và sân khấu nhận định: "Hiện nay, sân khấu cần có những loạt hài có tư tưởng chung với chiến lược cười sáng rõ, những 'vệt cười dài hơi.' Không phải nguyên một vở kịch dài mà phải có lớp lang."

Nhận thấy một xu hướng mới đang định hình, Nhà hát Tuổi trẻ đã  mời 14 tác giả tham gia viết hệ thống kịch bản hài và đã có được 128 kịch bản về đề tài thành phố cười. Tuy nhiên, để kéo khán giả đến rạp, còn cần nhiều những thể nghiệm mới hơn thế.

Có thể thua, nhưng không thử thì không thể thắng

Một trong những giải pháp mới đang được sân khấu hài phía Bắc áp dụng là sử dụng tương tác hình ảnh và biểu diễn sân khấu. NSND Lê Hùng đã giải thích khá hùng hồn: Thực chất nên hiểu là sự hỗ trợ lẫn nhau thôi. Có khi là dẫn, có khi là gợi ý và cũng có khi hình ảnh là để minh họa thêm. Nếu để  hình ảnh chiếu và diễn xuất của nghệ sĩ trên sàn diễn "bóp cổ nhau" thì không thể được.

Ông nêu ví dụ: trên màn hình có hình ảnh đôi giầy cao gót và một chiếc mũ phớt. Chiếc mũ thì cố chùm lên đôi giầy, còn đôi giầy thì có gót cố chui ra khỏi vành mũ…và sân khấu sẽ có cảnh chồng vợ trong gia đình…Chứ không phải là trên màn ảnh có cảnh như phim truyền hình và dưới sân khấu thì cứ diễn kịch sân khấu.

“Còn về tương tác với khán giả thì đạo diễn, diễn viên phải lường hết những tình huống. Mời khán giả lên tham gia, nghệ sĩ phải chuẩn bị sẵn để ứng phó luôn,” NSND Lê Hùng nói.

Những hướng đi này đã tạo nên một luồng gió mới cho sân khấu hài phía Bắc, trước mắt, là đối với các tác giả kịch bản và diễn viên.

Một gương mặt mới đã thu hút được cảm tình của công chúng về sự thông minh và diễn xuất thật thà, tưng tửng là giáo sư Cù Trọng Xoay-Đinh Tiến Dũng tâm sự: "Xem hài kịch thấy mình nên viết kịch bản. Khi được mời viết hài kịch có chủ đề xuyên suốt tôi thấy hứng thú nhưng cũng là sức ép. Bản thân tôi chưa bao giờ chăm chỉ ngoan ngoãn thế."

"Xoay" kể lại khi anh tham gia làm chương trình Táo Quân về trời trong "Gặp nhau cuối năm" các dịp Tết vừa rồi, anh đã bị đạo diễn Đỗ Thanh Hải dùng rất nhiều hình thức đe dọa, bức ép anh mới nộp xong kịch bản. Bây giờ tham gia cách làm mới hài kịch, anh hẹn nộp kịch bản với các anh em llà chính xác luôn, hẹn gửi kịch bản qua e-mail lúc 5 giờ thì đúng 5h sáng có.

Hào hứng là thế, nhưng những người tiên phong cho sân khấu hài kịch mới vẫn lo ngại: “Mở ra 'mặt trận' thế này để sân khấu phát triển. Lần này rất có thể tưng bừng chiến thắng cũng rất có thể ngậm ngùi cay đắng. Nhưng chúng tôi không sợ!”/.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục