Hài kịch ‘Quẫn’ của Trần Lực và học trò tái ngộ khán giả Hà Nội

“Sự hồn nhiên, ngây thơ và tươi trẻ là ba yếu tố tạo nên sự khác biệt cho những tác phẩm của LucTeam nói chung và cho vở ‘Quẫn’ nói riêng,” đạo diễn Trần Lực chia sẻ.
Hài kịch ‘Quẫn’ của Trần Lực và học trò tái ngộ khán giả Hà Nội ảnh 1"Quẫn" sẽ tái ngộ khán giả Thủ đô vào tối 14 và 21/4 tại Trung tâm văn hóa Pháp. (Ảnh: BTC)

“Quẫn” - vở kịch kinh điển của nhà viết kịch Lộng Chương sẽ tái ngộ khán giả Thủ đô vào tối 14 và 21/4 tại sân khấu Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Ngoài việc đánh dấu sự trở lại của đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú Trần Lực với sân khấu, bản dựng “Quẫn” lần này còn giới thiệu tới công chúng dàn diễn viên trẻ như Mạnh Đạt, Phương My, Ngọc Trâm…

“Đây vốn là những học trò của tôi tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Theo thời gian, các diễn viên trẻ có sự trưởng thành hơn về diễn xuất. Lần này, thầy trò sẽ tiếp tục cùng nhau ‘cháy’ hết mình trên sân khấu,” đạo diễn Trần Lực chia sẻ.

“Quẫn” xoay quanh câu chuyện về gia đình ông bà Đại Cát - một gia đình giàu có với nhiều toan tính trước chính sách công tư hợp doanh của nhà nước trong thời kỳ quá độ của công cuộc cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lo sợ bị mất khối tài sản lớn, vợ chồng Đại Cát tìm mọi cách cất giấu, tẩu tán: chia gia tài, tổ chức đám cưới linh đình cho con, thậm chí còn tính cả khoản tiền ma chay cho chính mình và cho người mẹ già vẫn đang còn sống… Những chuyện bi hài, tình huống kịch bắt đầu nảy sinh từ đây…

Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, bản dựng “Quẫn” của nghệ sỹ nhân dân Trần Hoạt đã từng tạo nên một “cơn sốt” trong đời sống sân khấu Việt với khoảng 2.000 buổi diễn. Với bản dựng lần này, nghệ sỹ ưu tú Trần Lực đã khoác cho “Quẫn” một “chiếc áo” mới. Không theo phong cách hiện thực như nhiều đạo diễn khác, Trần Lực dựng “Quẫn” theo phương pháp biểu hiện-ước lệ.

Hài kịch ‘Quẫn’ của Trần Lực và học trò tái ngộ khán giả Hà Nội ảnh 2Đạo diễn Trần Lực đưa nhiều yếu tố đương đại vào bản dựng "Quẫn" công diễn lần này. (Ảnh: BTC)

Sân khấu được mở ra tối giản, nội dung cốt truyện cũng được giản lược hơn, lời thoại có sự cách tân theo hướng hiện đại, “thêm nếm” vào những câu chữ, ngôn từ mà giới trẻ thường sử dụng để tạo ra màu sắc đương đại cho kịch bản ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước.

[Công diễn vở hài kịch ước lệ “Cơn ghen của Lọ Lem” của Trần Lực]

Mỗi vở diễn theo phương pháp biểu hiện-ước lệ thường hội tụ ba yếu tố: câu chuyện đơn giản; bối cảnh sân khấu và đạo cụ tối giản; diễn viên có khả năng biểu đạt và tương tác cao (sử dụng nét mặt, ánh mắt, giải phóng cơ thể và tự kiểm soát quỹ đạo di chuyển trong từng phân cảnh để khơi gợi trí tưởng tượng của người xem, cuốn họ vào dòng chảy chung của câu chuyện).

“Nói khác đi, sự hồn nhiên, ngây thơ và tươi trẻ là ba yếu tố tạo nên sự khác biệt cho những tác phẩm của LucTeam (đoàn kịch tư nhân của Trần Lực và các học trò) nói chung và cho vở ‘Quẫn’ nói riêng,” đạo diễn Trần Lực chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục